TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Monday 2 May 2016

***Ý NGHĨA "DUY NGÃ ĐỘC TÔN"

KÍNH MỪNG PHẬT ĐẢN 2016


Tôi mong tất cả Tăng Ni là người lãnh đạo Phật tử, quí vị đi và dẫn dắt Phật tử cùng đi đúng theo con đường đức Phật đã đi.
Đừng đi sai, đừng đi lệch, uổng một đời tu, không biết mai kia có gặp lại Phật pháp không?
Làm sao chúng ta đứng vững và luôn luôn không bị những luồng gió nhơ nhớp của thế gian
làm lem luốc,
phải trong sạch vững vàng trên con đường đạo. Đó là chỗ tha thiết mong mỏi của tôi.
HT Thích Thanh Từ
lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll


Ý NGHĨA "DUY NGÃ ĐỘC TÔN"
HT THÍCH THANH TỪ

GN - Ngày Lễ Phật đản, chúng ta thường được nghe nhắc đến hình ảnh Đức Phật mới ra đời đi bảy bước, tay chỉ trời tay chỉ đất, nói: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”, đa số ai cũng thuộc lòng như thế.

Ngày trước khi tôi còn trẻ, có một vị Phật tử thắc mắc hỏi: “Bạch Thầy, thường bài kệ phải đủ bốn câu, sao bài kệ này có hai câu, còn hai câu nữa ở đâu?” Nghe hỏi vậy, tôi chỉ còn cách là xin hẹn về tìm lại, vì thật ra lúc đó tôi cũng chỉ thuộc có hai câu.Tôn tượng Đức Phật đản sinh
Sau này đọc kinh A-hàm, tôi mới giật mình thực tình mình dốt rõ ràng. Trong A-hàm có ghi bốn câu đàng hoàng, chớ không phải chỉ hai câu. Bốn câu đó nguyên văn chữ Hán là:

Thiên thượng thiên hạ,
Duy ngã độc tôn.
Nhất thiết thế gian,
Sinh lão bệnh tử.

Chính bốn câu này mới nói lên hết ý nghĩa thâm trầm về câu nói của Đức Phật khi mới ra đời. Chúng ta sẽ thấy tinh thần Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Phát triển sai biệt ở chỗ nào? Gần đây Phật tử hay hỏi: 

Đạo Phật là đạo vô ngã, tại sao Đức Phật mới ra đời một tay chỉ trời, một tay chỉ đất nói “Duy ngã độc tôn”, như vậy Ngài đề cao cái ngã quá mức rồi, thế thì việc này có mâu thuẫn với giáo lý vô ngã không?. 

Đó là vấn đề mà tất cả huynh đệ cần phải nắm cho vững. Tra cứu lại tôi thấy rõ ràng, nếu xét về bốn câu kệ đó với tinh thần Nguyên thủy thì dẫn đủ bốn câu: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn, nhất thiết thế gian, sinh lão bệnh tử”, nghĩa là trên trời dưới trời chỉ có ta là hơn hết. Tại sao ta hơn hết? Vì trong tất cả thế gian, ta đã vượt khỏi sanh già bệnh chết. Phật hơn tất cả thế gian vì Ngài đã qua khỏi sanh già bệnh chết. Đó là cái hơn theo tinh thần Nguyên thủy. Như vậy câu nói đó không phải đề cao cái ngã. 

Tại sao chư Tổ Việt Nam không dùng hết bốn câu, lại dùng hai câu thôi, có ý nghĩa gì? Đâu phải các Ngài không đọc qua bài kệ đó, nếu chúng ta không nghiên cứu kỹ có thể bị nghi ngờ ở điểm này. Bởi vì tinh thần Phật giáo Phát triển đi thẳng vào ngã của Pháp thân, chớ không phải cái ngã của thân này. Nên nói “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” là chỉ cho ngã Pháp thân. 

Như chúng ta đã biết, ngã của thân tứ đại ngũ uẩn này vô thường sanh diệt, không có nghĩa gì nên giáo lý nói vô ngã. Vô ngã là vô cái ngã tứ đại ngũ uẩn, nhưng Pháp thân là thể bất sanh bất diệt, nó trên hết. Vì vậy Phật nói “Duy ngã độc tôn”.

Trong kinh Kim cang có bài kệ 
“Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai”, tức là nếu dùng sắc thấy Ta, dùng âm thanh cầu Ta, người đó hành đạo tà, không thể thấy Như Lai. Như vậy chữ Ngã này chỉ cho ngã gì? Ngã của Pháp thân nên không thể dùng sắc tướng, âm thanh mà cầu. Nếu ai dùng sắc tướng âm thanh mà cầu Pháp thân, đó là tà. 

Giáo lý Phát triển đề cao ngã là cái ngã Pháp thân. Theo tinh thần Phật giáo Phát triển, chúng ta tu phải giác ngộ được Pháp thân, mới giải thoát sanh tử. Từ đó ta thấy tinh thần Phật giáo Nguyên thủy và tinh thần Phật giáo phát triển có chỗ khác nhau. Phật giáo Nguyên thủy nhắm vào điểm Phật đã vượt qua sanh tử của chúng sanh nên nói Ngài hơn hết. Phật giáo Phát triển nhắm vào Pháp thân của chúng ta, là cái không sanh không diệt nên nói hơn hết. Hiểu như vậy mới có thể trả lời câu hỏi trên của Phật tử mà không bị lúng túng. 
 
Có một Phật tử hỏi chúng tôi: “Thưa Thầy, Phật tử tu theo đạo Phật, hiện tại bản thân, gia đình, xã hội có lợi ích gì?”. Câu hỏi này rất thực tế, chúng ta không thể lơ là được. Thật ra vấn đề được nêu lên không phải quá khó, nhưng chúng tôi muốn dẫn lại để Tăng Ni ý thức trách nhiệm của người giảng dạy giáo lý. 

Chúng ta giảng dạy giáo lý phải làm sao cho Phật tử thâm hiểu, ứng dụng tu hành có lợi cho bản thân, gia đình và xã hội, đó là trọng tâm của việc truyền bá Chánh pháp. Chính nhờ những câu hỏi này làm cho chúng ta phải nghiên cứu kỹ lưỡng về giáo lý nhà Phật, dạy thế nào cho có lợi ích thiết thực, chớ không thể nói suông được.

Tôi thường dạy Phật tử tu là cốt chuyển đổi ba nghiệp thân, khẩu, ý. Cho nên nói tới tu là nói tới sự chuyển hóa, biến cái dở xấu trở thành cái hay tốt. Nói cụ thể hơn về tu ba nghiệp nghĩa là ngày xưa chưa biết tu vị đó sát sanh, trộm cắp, tà dâm v.v... Bây giờ biết tu rồi thì không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm. Nếu tích cực hơn, hồi xưa vị đó sát sanh, bây giờ biết tu rồi chuyển lại chẳng những không sát sanh mà còn phóng sanh, không phạm tội trộm cắp mà còn tập hạnh bố thí, không tà dâm mà còn khuyến khích những người chung quanh giữ hạnh trinh bạch.

Hồi xưa chưa biết tu ta nói dối, nói hai lưỡi, nói hung dữ, nói thêu dệt vô nghĩa. Bây giờ chặng đầu của sự tu là bớt nói dối, bớt nói hai lưỡi, bớt nói hung dữ, bớt nói thêu dệt. Qua chặng thứ hai phải tiến lên, khi xưa mình nói dối thì bây giờ luôn luôn nói lời chân thật; khi xưa nói hai lưỡi tức nói ly gián, bây giờ nói lời hòa hợp; khi xưa nói lời hung dữ ác độc, bây giờ nói lời hiền hòa nhã nhặn, khi xưa nói lời thêu dệt vô nghĩa, bây giờ nói lời hợp lý. 

Ngày xưa tâm ý nhiều tham, nhiều sân, nhiều si, bây giờ bớt tham, bớt sân, bớt si, đó là chặng số một. Qua chặng thứ hai, chẳng những bớt tham mà còn tập thương người cứu vật, chia sẻ giúp đỡ kẻ cơ hàn. Chẳng những bớt sân mà còn tập trải lòng từ bi đến khắp mọi người. Chẳng những bớt si mà còn tập mở mang trí tuệ theo Chánh pháp. Như vậy thay vì tham sân si, bây giờ đổi lại thành bố thí, từ bi, trí tuệ. Đó là tu. 

Nếu một Phật tử, bản thân không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, bớt tham sân si, như vậy có lợi ích chưa? Bản thân có lợi ích cụ thể rồi. Nếu một thành viên trong gia đình tốt như vậy, tự nhiên gia đình cũng an vui, xã hội cũng tốt theo. Rõ ràng việc tu có lợi ích thiết thực cho mọi người và xã hội.

Lúc tôi đi giảng ở Rạch Giá với thầy Huyền Vi, đề tài giảng là giáo lý Nhị thừa. Trong đó nói về tứ thiền, bát định cho tới tứ quả Thanh văn. Vì thuộc bài nên tôi giảng tương đối cũng rõ. Sau khi giảng xong, có một Phật tử quỳ thưa: “Thưa Thầy, Thầy giảng về tứ thiền, bát định và tứ quả Thanh văn, chúng con nghe hiểu rồi, nhưng xin hỏi thật trong các tầng thiền định và quả vị đó, Thầy đã chứng được cái nào rồi?”. 

Lúc đó tôi ngớ ngẩn, không trả lời được. May nhờ thầy Huyền Vi ngồi bên cạnh lanh trí, trả lời dùm tôi: “Đạo hữu quên rồi sao, trong kinh thường nói người tu chứng giống như kẻ uống nước nóng lạnh tự biết, làm sao nói cho đạo hữu nghe được”. Lần đó Thầy Huyền Vi đã trả lời cứu bồ tôi. Nhưng thật tình, khi ấy tôi rất đau. Tại sao? 

Chúng tôi cứ quen học hiểu, mà không có thì giờ tu. Một đêm nhiều lắm là tụng kinh đủ hai thời, đôi khi thiếu nữa. Nhất là làm giảng sư được quyền nghỉ để nghiên cứu bài vở, nên tu lếu lếu thôi, chẳng có tới đâu. Chừng khi giảng mình học bài kỹ, nói cho người ta nghe hiểu, Phật tử tưởng mình đã chứng khá khá rồi, khi hỏi lại mình chới với không giải quyết được. Gặp phải câu hỏi trên, lòng tôi bất an vô cùng, vì thấy mình giống như cái máy thâu thanh. Thu lời của những bậc thầy đi trước, rồi phát ra y như vậy, chớ bản thân chưa có gì hết. Do đó tôi thầm nguyện, lúc nào đủ duyên mình phải tìm chỗ tu để yên lòng một chút, chớ nói hay mà làm không được, thật khổ tâm quá. Đó là lý do sau này tôi tìm lên núi tu thiền. 

Tôi kể lại những điều này cho Tăng Ni thấy bổn phận của một người Thầy không giản đơn như mình tưởng. Ta phải nói thế nào cho người hiểu, kế họ hỏi tới công phu tu hành mình cũng phải biết, không thể lúng túng được. Muốn thế chúng ta phải có tu. Tu thế nào? Trong các thời khóa tụng của nhà thiền, thường nhất là kinh Bát-nhã. Bát-nhã là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch trí tuệ, loại trí tuệ siêu xuất thế gian, chứ không phải trí tuệ thường. Muốn bước vào cửa thiền trước tiên phải thâm nhập lý Bát-nhã. 

Lý Bát-nhã còn được gọi là cửa Không. Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Tại sao chúng ta tu thiền phải đi từ cửa Không? Vì nếu thấy thân này thật, đối với ngoại cảnh, từ con người cho tới muôn vật, chúng ta đều thấy thật hết thì tâm sẽ chạy theo nó. Bây giờ, muốn tâm không chạy theo, chúng ta phải quán sát kỹ tất cả sự vật ở ngoài cũng do duyên hợp, không thật. Cái nhà từ khoảnh đất trống, ta dựng cây cối, gạch ngói v.v… để thành cái nhà. 

Do vậy cái nhà là tướng duyên hợp. Do duyên hợp nên có ngày nó phải bại hoại, tường vách đổ sụp. Những gì duyên hợp đều hư dối. Từ cái nhà cho đến mọi sự mọi vật, có thứ nào không phải duyên hợp đâu, nên chúng sẽ đi đến bại hoại. Biết rõ như vậy mới không dính mắc với cảnh bên ngoài. Không dính mắc ngoại cảnh thì tâm mới an định được, còn dính mắc thì không bao giờ an định. 


Thí dụ như quý Phật tử vừa mới to tiếng với ai đó chừng nửa giờ, bây giờ vô ngồi thiền có yên không? Vừa ngồi vừa tiếp tục cãi, không cãi bằng miệng mà cãi bằng tâm. Họ nói câu đó là sao, mình phải trả lời thế nào cho xứng v.v… cứ ôn tới ôn lui hoài. Vì chúng ta thấy câu nói thật nên không bỏ được. Nếu ta quán con người đó không thật thì lời nói của họ có thật đâu, tất cả là chuyện rỗng, có gì quan trọng. Thấy vậy liền buông nhẹ. Buông được thì ngồi thiền mới yên. Cho nên trước tiên bước vào cửa thiền, chúng ta phải đi từ lý Bát-nhã, dẹp bỏ tất cả những cố chấp của mình. 

Kinh Bát-nhã nói “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc” nghĩa thế nào? Bây giờ tôi dẫn câu chuyện xưa thế này. Đời Đường, có hai vị thiền sư trẻ Trí Tạng và Huệ Tạng, đệ tử của Mã Tổ Đạo Nhất. Một hôm hai huynh đệ ra ngoài vườn chơi. Ngài Trí Tạng hỏi ngài Huệ Tạng:
- Sư đệ biết bắt hư không chăng?.
Ngài Huệ Tạng trả lời:
- Biết.
- Làm sao bắt?
Ngài Huệ Tạng liền đưa tay ra ôm hư không. Ngài Trí Tạng quở:
- Bắt như vậy làm sao được hư không?
Ngài Huệ Tạng hỏi:
- Huynh làm sao bắt?
Ngài Trí Tạng liền nắm lấy lỗ mũi Huệ Tạng lôi đi. Ngài Huệ Tạng la:
- Nắm như vậy chết người ta, buông ra!
Ngài Trí Tạng nói:
- Bắt như vậy mới được hư không. 

Câu chuyện này có đạo lý gì? Lỗ mũi tuy là hình thức vật chất, nhưng bên trong trống rỗng. Nắm cái sắc thì trong đó đã có cái không rồi. Đây là nghĩa sắc tức thị không. Nếu ôm hư không bên ngoài thì làm sao nắm được hư không? Như bình hoa trước mắt chúng ta, nếu bỏ mấy cọng hoa mỗi nơi mỗi cái thì bình hoa không còn. “Bình hoa” là giả danh, do đủ duyên hợp lại mới có, nếu thiếu duyên bình hoa không còn nữa. Nên nói thể bình hoa là không, do duyên hợp tạm có. Ngay nơi bình hoa chúng ta biết tánh nó là không. Tuy tánh không nhưng đủ duyên hợp lại thì thành bình hoa. 

Như vậy lý không ở đây không phải không ngơ, mà là không có chủ thể cố định. Duyên hợp tạm có, duyên ly tán trở về không. Hoa khi phân tán khắp nơi, chỉ còn lại bình không, nếu ta cặm vào đó các hoa khác thì có bình hoa trở lại, nên nói “không tức là sắc”. Rõ ràng sắc và không đều không thật. Nói sắc nói không nhằm chỉ ra lý duyên hợp, đủ duyên thì không biến thành sắc, thiếu duyên thì sắc biến thành không. Nên ngay khi duyên hợp, tánh nó vẫn là không. Vì vậy kinh Bát-nhã nói “không” tất cả: không nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, không sắc, thanh, hương… Không là nói đến thể của tất cả các pháp. Tất cả pháp chỉ có giả danh, không có thật thể. 

Từ đó chúng ta dùng trí quán xét hết các sự vật bên ngoài, đều là duyên hợp tánh không. Biết như thế là tỉnh, hết mê. Cho nên biết được lý tánh không rồi, chúng ta mới bỏ được vọng tưởng điên đảo, các vị Bồ-tát mới có thể tu hành tiến lên thành Phật. Dùng trí tuệ Bát-nhã tức là dùng thanh kiếm bén ruồng hết sáu trần, không chấp không kẹt. Không chấp thì ngồi thiền êm ru, không nghĩ, không tính. Vừa chợt nhớ gì liền tự nhắc “Nó giả dối, có thật đâu mà nhớ”. Thế nên bước vào cửa Không phải thấy rõ: 

Một, tất cả cảnh sắc đều hư dối, tự tánh là không.
Hai, thân tứ đại duyên hợp hư dối, tự tánh là không. 
Ba, tâm vọng tưởng sanh diệt hư dối, tự tánh là không. 

Biết ba cái đó không thật rồi, chúng ta phải tìm cho ra cái chân thật. Đây là chỗ thiết yếu hành giả tu thiền cần phải biết. Cái thật đó lâu nay chúng ta không nhớ không biết nên chạy theo trăm thứ đảo điên. Bây giờ ta phải nhớ để nhận ra và sống lại với cái chân thật của chính mình, thì mới chấm dứt sanh tử và đau khổ.

Hiểu rõ và thực hành đúng lời Phật dạy mới xứng đáng là đệ tử của Phật, mới có thể đền ân Phật Tổ và đầy đủ tư lương để trả nợ đàn na tín thí.

 HT.Thích Thanh Từ

 

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG SỔ 30 

MỤC LỤC
1. Bộ Sách Cư Trần Lạc Đạo
2. Trang Mục Lục
3. Thư Ngỏ của Ban Biên Tập PHTQ
5.  Làm Sao Tu theo Phật
6. Thích-Thanh-Từ Lòng tin của con Phật
20. Chuyển ba nghiệp ác
21. Thích Chân Tuệ Bàn Về Thiện Và Ác
31. Nói hay không nói
32. Chuyện Tu Hành - Lễ Tưởng Niệm
33. Cách Ngồi Thiền
34. Con muốn được nhìn thấy kiếp trước
40. Dời đến đâu dơ đến đó
41. Chuyện Trong Đời Nancy Dang
45. Chùa chiền hành đạo phi chánh pháp
48. Tượng Phật Ngọc
51. Đầu Năm Đi Chùa Đúng Chánh Pháp
60. 61. TẾT NGUYÊN ĐÁN BÍNH THÌN 08.02.2016
62. Lời dặn dò cuối cùng của Đức Phật
67. Quán Thế Âm Bồ Tát thị hiện
72. Thích Nữ Chân Liễu Bồ Tát Ðại Thế Chí
75. Phật pháp tại thế gian
77. Ý Nghĩa Lễ Cầu Nguyện
80. Đạo Phật chủ trương chuyển hóa tâm
81. Thư Phật Tử Ngô Phúc Mississauga
84. Thế nào là một vị Chân Tu
88. Đó mới thực là Chân Tu
94. Tập San Từ Bi & Trí Tuệ
95. Chuyện Trong Đời Nancy Tran
98. Phật Tâm Phật Tướng
101. Đức tin mù quáng
103. Hũ tro cốt - giải thích 2 thắc mắc
109. Vị sư nào đáng kính hơn
111. Thích Nữ Chân Liễu Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn
119.120 Trang Tri Ân Ban Bảo Trợ
llllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll

THƯ NGỎ

Ban Biên-Tập Phật-Học Tịnh-Quang Canada
Kính thưa Quí vị độc giả,
Chư Tôn Đức Ban Biên Tập PHTQ trân trọng cảm niệm
công đức và phước đức
của Quí vị phát tâm bảo trợ và giới thiệu tập san.
Từ xưa đến nay, cứ mỗi dịp năm hết tết đến, nhà nhà nô nức đón xuân về, người người cầu nguyện năm mới gặp được nhiều điều tốt đẹp hơn. Đó là nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc, tín ngưỡng dân gian phổ biến.
Tuy nhiên, đối với người tu học theo Phật, mỗi dịp năm mới đến, hành giả cần nên quán chiếu, tuệ giác đã sáng tỏ được bao nhiêu rồi, sau bao nhiêu năm sống trong u mê theo nếp sinh hoạt xã hội và theo sự hướng dẫn sai lầm của chư tăng trong chùa chiền, cứ chạy theo danh lợi qua các hình thức cúng kiến mê tín, nghi lễ phức tạp. Con người quên đi cốt tủy đạo Phật là đạt được đời sống hiện tại an lạc hạnh phúc. Mục đích cứu cánh của đạo Phật là tu tâm dưỡng tánh để giác ngộ và giải thoát.
Để hiểu rõ cốt tủy và mục đích cứu cánh của đạo Phật con người nhất thiết phải nắm vững các lời dạy của đức Phật qua giáo lý căn bản:
1. cuộc đời khổ nhiều hơn vui
2. sự sự vật vật luôn luôn biến đổi không ngừng qua các bước
sinh trụ dị diệt hay sinh lão bệnh tử 
3. vô ngã chính là niết bàn ngay tại thế gian.

Để thực hành lời dạy của đức Phật, con người theo nhiều tông phái khác nhau
tùy theo căn cơ, hoàn cảnh hay sở thích.

Để hướng dẫn các khóa lễ, khóa tu đông người, dưới hình thức tôn giáo, chùa chiền
cần phải xử dụng các pháp khí như chuông mõ kinh kệ, các nghi thức như tụng kinh,
niệm Phật, trì chú, tọa thiền, kinh hành, thiền hành, bát quan trai, sám hối.
Tuy nhiên các chùa chiền lợi dụng tín tâm bá tánh tạo ra sự linh thiêng huyền bí qua các lễ hội quán âm, cung nghinh phật ngọc, trai đàn bạt độ, chẩn tế cô hồn, vớt vong trên biển như vớt bèo. Đó là các tà pháp xâm nhập thiền môn, không có trong kinh sách.
Con người có quyền tự do lựa chọn tín ngưỡng hay tôn giáo thích hợp. 
Bản chất con người có tâm tốt hiền lương.
Tuy nhiên, cuộc sống bon chen, đấu tranh đầy bất trắc, bất như ý, và danh lợi dẫn dắt đến chỗ sai lầm. Con người bị dụ dẫn bởi các hình thức mê tín phi chánh pháp ứng hợp với tâm tham sân si, nhưng xa rời chánh pháp.
Các hình thức cúng kiến, lễ nghi trong các chùa xưa nay đều do con người bày đặt ra, không có gì gọi là linh thiêng huyền bí.
Các tôn tượng, kinh sách hay các ngôi chùa, cũng chỉ là phương tiện truyền bá đạo pháp, không có gì gọi là linh thiêng huyền bí.
Ngay cả chư vị tu sĩ cũng chỉ là con người tu hành, giúp đỡ bá tánh cùng tu theo lời Phật dạy. Tu sĩ và bá tánh cùng  mê tín, không học hiểu không thực hành lời Phật dạy,
nên cả hai cùng sai lạc.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn xưa nay, đâu là lời Phật dạy, đâu là kinh điển thật.
Tóm lại, bá tánh muốn tu theo Phật, phải ngộ đạo và tránh xa các chùa, các nhà sư tổ chức hành hương, văn nghệ, cơm chay gây quỹ, các loại lễ hội, pháp hội phi chánh pháp, ồn ào, lóc cóc leng cheng lùng tùng xèng.[]

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Ban Biên Tập PHTQ.CANADA


  TỪ BI TRONG ĐẠO PHẬT
HT Thích Nhật Quang

Mặc dù thường được mọi người nói đến, hai chữ Từ-Bi đã bị người ta hiểu sai rất nhiều. Có người hiểu Từ-Bi là một tình thương nhỏ-nhặt tầm thường nông-cạn; có người hiểu Từ-bi là một tình thương nhạt-nhẽo, lãnh-đạm, tiêu-cực, thua xa "Tình-yêu" hay "Bác-ái"; có người cho Từ-bi là một hình-thức biến thể của Ích-kỷ; lại có người đi xa hơn cho Từ-bi là một danh-từ trống rỗng là "Vô-nghĩa". Vậy Từ-bi là thế nào?

Định-nghĩa theo danh-từ nhà Phật, Từ nghĩa là thương yêu, là làm vui cho người và vật; Bi là thương xót người hay vật, khi thấy họ đau khổ, gặp hoạn-nạn, và cố cứu họ ra khỏi hoàn-cảnh ấy. Từ thuộc phạm-vi tích-cực (làm thêm vui); Bi thuộc phạm-vi tiêu-cực (trừ cái khổ). Người mẹ thương con, muốn làm cho con được vui-vẻ sung- sướng khi bình thường, là Từ. Khi đứa con đau-đớn về tinh-thần hay vật-chất, thì người mẹ thiết-tha thương xót, chăm sóc cứu chữa cho nó thoát khỏi cơn đau khổ, là Bi.

TỪ-BI TRONG ĐỜI GIÁO-CHỦ THÍCH-CA MÂU-NI
Bao giờ cũng thế, đời sống của một vị giáo-chủ là tấm gương phản chiếu cái đạo mà mình đã phát-minh. Tâm-hồn, thái-độ, cử chỉ, hành-động, của vị giáo-chủ chứng minh cho những giáo-lý của mình. Đó là những bài học linh-động, thực-hành để tín-đồ nhận thấy rõ cái tinh-thần, cái nghĩa lý sâu xa của đạo cứu thế. Mỗi lời nói, mỗi cử-chỉ, mỗi hành-động của đức Phật Thích-Ca được cô đọng lại, qua lịch-sử đời Ngài, thành những tượng-trưng cho Từ-bi, Trí-tuệ, Đại-hùng, Đại-lực. Ở đây chúng ta chỉ đề-cập đến vấn-đề Từ-bi, nên chúng tôi chỉ sẽ chú mục đến nhữngđiểm nào trong đời Ngài, đã biểu-dương được tình thương rộng lớn vô biên ấy.

Trước tiên, chúng ta thấy người chép sử đời Ngài đã nhấn mạnh ở điểm: lúc mới bảy tuổi, đức Thích-Ca, một hôm đi xem lễ "Cày ruộng" đã rơi lụy, đau xót cho nỗi đau xót của chúng-sinh, đã phải xâu xé, giành giựt nhau để sống: người thợ săn đang rình bắn con diều, con ó; những con này đang rình rập để bắt những con gà, con chim nhỏ; những con sau này lại đang tranh nhau, giành giựt những côn-trùng mà lưỡi cày đã bới lên... Sự sống sống bằng cái chết! Những cảnh tượng ấy phơi bày ra trước mắt mọi người, nhưng chỉ có một mình Ngài nhận thấy và đau xót, vì Ngài đã hòa mình trong nỗi đau khổ của chúng-sinh, đã chan hòa tình thương của mình trong mọi vật, như nước đại-dương mà mỗi làn sóng, mỗi âm ba đều vang dội đến tận đáy lòng mình. Đấy là lý do, động lực chính thúc đẩy Ngài đi tìm đạo sau này.

Rồi, trước khi rời cung điện để ra đi tìm đạo, đức Thích-Ca đã nói với mình như thế nào:
"... Ta không muốn làm một kẻ chinh-chiến, tắm bánh xe trong máu đào của muôn bãi chiến để rồi lưu lại cho hậu thế một kỷ niệm đỏ gớm ghê... Tiếng kêu đau thương của thế giới xé rách màng tai, lòng Từ-bi của ta chỉ muốn xóa bỏ những cảnh khổ đau của nhân loại".
Và Ngài đã nói với tên giữ ngựa, Xa-Nặc, như thế nào?
"Ngươi ạ, sẽ là một thứ tình yêu giả trá, nếu ta chỉ ở bên cạnh những người thân để hưởng những lạc thú ích-kỷ. Ta muốn đừng bịn-rịn với tổ quốc nhỏ hẹp này để được yêu vũ-trụ rộng lớn..." ( Ánh Đạo Vàng)

Và trên con đường tìm Đạo, đức Phật đã không từ một cử chỉ nhỏ nhặt nào của tình thương. Ngài đã bế một con cừu con què chân để cho nó theo kịp mẹ nó và nói với nó:

"Dù con về xa đến đâu, ta cũng sẽ bồng con theo mẹ con cho đến đấy. Trong lúc ta chưa tìm ra được phương thuốc để cứu độ toàn thể chúng-sinh, thì ít nữa, ta cũng cứu được một mình con khỏi đau khổ. Ừ như thế còn hơn là ngồi trên núi như những kẻ tu-hành kia để tự hành-hạ thân xác và để cầu được thoát khổ với những vị thần bất lực". 

Ngài đã khuyên vua Tần-Bà-Sa-La đừng giết súc vật để tế thần. Như thế, đâu phải chỉ vì mình mà đức Thích-Ca đi tìm đạo? Đâu phải vì chán ngán cõi đời như nhiều nhà nghiên-cứu Phật-Học Âu-châu thường nói, mà đức Thích-Ca lìa bỏ cõi đời, xuất gia tìm Đạo? Cái Đạo của Ngài là Đạo vì đời, Đạo của tình thương. Đại nguyện của Ngài là cứu độ cho toàn thể chúng-sinh thoát vòng đau khổ.

Cho nên sau khi đắc Đạo dưới gốc Bồ-Đề, mặc dù nhận thấy cái Đạo của mình thâm huyền, khó nói, khó bàn, ít người sẽ hiểu thấu, đức Phật cũng không nề khó-khăn, lao nhọc, đem ra truyền-bá cho đời. Ngài đã tự nhủ: "Ta vì đời, mà tìm Đạo. Không lẽ bây giờ thấy cái Đạo thâm huyền, khó nói, khó bàn mà giữ riêng cho ta, không truyền-bá cho đời sao?" Do đó, Ngài đã chế ra không biết bao nhiêu phương-pháp tu-hành để có thể thích-hợp với mọi hạng người, mọi căn-cơ, mà Ngài nhận thấy đều có khả năng thành Phật.
Cái đại nguyện vì đời mà hành Đạo, vì tình-thương mà san bằng bể khổ đã được đức Phật Thích-Ca theo đuổi từng ngày, từng giờ, trong suốt bốn mươi lăm năm đi truyền-bá giáo-lý của Ngài, cho đến phút cuối cùng, khi Ngài nhập Niết-Bàn.
Tóm lại, lịch-sử đức Phật Thích-Ca chính là lịch-sử của lòng Từ-Bi và của Trí-Tuệ, đã tiếp diễn một cách dũng-mãnh, không một phút giây thoái chuyển. Do đó, người đời đã gọi Ngài bằng những danh hiệu: Đấng Giác-Ngộ, hay Đấng Đại-Từ, Đại Bi vậy.

TỪ BI TRONG GIÁO-LÝ ĐẠO PHẬT
Như chúng ta đã thấy ở trên, Từ-Bi là động-lực chính đã thúc đẩy đức Phật tìm Đạo giải-thoát để cứu-độ chúng-sinh. Đức Phật không thể ngồi yên nhìn sự đau khổ hoành-hành trong đời sống, như người mẹ không thể ngồi yên khi nhìn thấy con đau. Càng thương con bao nhiêu, lại càng nỗ-lực tìm thầy chạy thuốc, quyết dứt trừ bệnh hoạn cho con. Sức lực của người mẹ chính là ở tình-thương. Nghị-lực, sức chịu đựng dẻo-dai, bền chặt của đức Phật trong khi vượt bao gian-lao, khổ cực để tìm Đạo cũng chính vì tình-thương lớn-lao đối với chúng-sinh vậy.
Dựa lên kinh-nghiệm bản thân, đức Phật đã dạy: người tu hạnh Bồ-Tát phải lấy Từ-Bi làm gốc. Cây Bồ-Đề lớn mạnh nhờ bám sâu gốc rễ trong đất, kẻ tu-hành lấy Từ-Bi, lợi-lạc hữu-tình làm lẽ sống.
Giáo-lý của đức Phật tuy không xiết kể, tựu-trung đều nhắm đến ba điểm chính: BI, TRÍ, DŨNG. Mở rộng tình-thương, mở rộng trí-tuệ, mở rộng nghị-lực. Mở rộng cho đến khi nào không còn thấy có biên-giới nữa là thành Phật. Thiếu một trong ba điểm ấy, không bao giờ có thể thành chánh-quả. Người Phật-Tử có câu hát: "Trí không Bi là trí điêu xảo, Bi không Trí là Bi mù lòa".

Bi và Trí cần được trau dồi, phát triển đồng đều với nhau: Trí làm cho Bi sáng-suốt, Bi làm cho Trí thuần lương. Trí và Bi là hai bánh của một chiếc xe. Một trong hai bánh rời ra là xe trúc đổ. Tình-thương ấy lại cần phải vô biên, không hạn cuộc. Nếu còn thấy giới hạn của tình-thương, thấy có người hay vật mình không thương được, thấy có kẻ thù, thì chưa phải là Từ-Bi. Cho nên trong phép Từ-Bi-Quán, người ta thường luyện hai cách: hoặc mở rộng tình-thương tuần tự đi từ những người thân trong gia-đình, cha, mẹ, vợ, con, dần dần đến thân thuộc, bạn-bè, rồi đến khi mình thấy thương kẻ thù như người thân nhất mới thôi; hoặc người ta trở ngược lại đi từ kẻ thù ghê gớm nhất dần dần đến kẻ thân nhất; khi thấy không còn phân-biệt giữa kẻ thù và người thân nhất mới thôi.
Tình-thương ấy cũng không chỉ hạn cuộc trong phạm-vi nhân loại, mà còn lan đến muôn vật, cỏ cây, nghĩa là toàn-thể chúng-sinh, những gì có sự-sống. Vì sao lại phải thương-yêu chúng-sinh? - Vì chúng-sinh luân-hồi, lăn lộn trong sáu cảnh giới: thiên, nhân, a-tu-la, ngạ-quỷ, súc-sanh, địa-ngục; tiếp nối không ngừng, khi làm thiên, khi làm người, khi xuống địa-ngục. Từ muôn triệu kiếp, chúng-sinh đối với nhau đã từng là cha mẹ, ông bà, anh em, chị em, thân bằng quyến thuộc của nhau, cho nên phải thương-yêu nhau.
Mặc dù hình thức có khác nhau, nhưng sự sống chỉ là một. Sự sống đã là một, thì tình-thương sao lại phân chia? Làm đau khổ một phần nào, trong khía cạnh nào của sự sống, tất cũng là làm đau khổ sự sống của mình, vì sự sống của mình và của chúng-sinh là một. Trái lại, thương-yêu một sinh vật nào đó, cũng chính là thương-yêu mình.

Đức Phật chủ-trương thuyết vô-ngã, quyết đập tan cái Ta giả-dối, cũng chính để chúng ta nhận rõ mình với người là một, " Ta" với " không phải Ta" vẫn như nhau, để chúng ta đừng nhận thấy Ta là của riêng ta, Ta là một khối riêng biệt mà chỉ thương riêng ta, và ghét người không thương ta. Khi đã không có biên-giới giữa mình với người nữa, tình-thương mới không có biên-giới, tình-thương mới toàn vẹn. Thương mà vẫn còn thấy ta với người là hai, là hai khối, thì tình-thương ấy vẫn có tầng, có bậc, có thân, có sơ, có ngăn, có cách. Người tu theo hạnh Từ-Bi không nói: " Ta với người tuy một mà hai", mà phải nói: " Ta với người tuy hai mà một", nghĩa là xóa cái " Dị" để đi đến cái " Đồng".

Một con rắn mình rất dài, trong đêm tối đã cắn nhầm cái đuôi mình; càng cắn, càng đau, càng đau, càng tức giận cắn thêm, và cái trò lẩn-quẩn ấy cứ tiếp diễn mãi. Làm cho con rắn của sự sống, của cuộc đời, nhận thấy được cái đuôi mà nó đang cắn là của nó, đó là nhiệm-vụ của thuyết vô-ngã.
Như thế, thuyết vô-ngã, tu hạnh vô-ngã, là những phương-tiện để thực-hiện tình thương rộng lớn vô-biên, là Từ-bi; chứ không phải Từ-bi là phương-tiện để đi đến cứu-cánh là vô-ngã. Chứng-minh ta là vô-ngã để làm gì? - Chính để thấy rằng Ta và chung quanh ta là một. Nhưng đức Phật không nói ra chữ Một, vì sợ nói Một người ta liên-tưởng đến chữ phản-nghĩa của nó là Hai, là Nhiều.

Chính đức Phật đã nói: " Ta nguyện đem thân ta chịu hết cả hằng hà sa số đau khổ của chúng-sinh. Vì ta nguyện tế độ cho chúng-sinh nên mới nguyện thành Phật".

Rõ ràng lắm: muốn thành Phật để cứu-độ chúng-sinh, chứ không phải cứu-độ chúng-sinh để thành Phật! Vì chứa chất một tình-thương bao la như thế, nên Phật đã có những lời dạy đệ-tử rất đẹp, có thể làm phương-châm cho muôn đời:

 " Không nên lấy oán báo oán, chỉ nên lấy ân báo oán". " Trong thế-gian nầy, chẳng phải lấy oán trừ được oán, chỉ lấy nhẫn mới trừ được oán" , Hay: " Với người dữ, ta nên ở lành, với người câu-nệ, ta không nên câu-nệ. Với người gian-tham, ta chớ nên gian-tham, Lấy Từ-Bi đáp lại nộ-khí, lấy thành-thực đáp lại điêu-ngoa, lấy lành đáp dữ".

Không phải chỉ dạy suông, đức Phật đã hiểu thấu tâm-ý của những người nuôi dưỡng oán-thù trong tâm như thế nào, nên đã chỉ bày phương-pháp để tiêu-diệt oán-thù: " Người kia lăng mạ tôi, đánh đập tôi, phá hoại và cướp đoạt của tôi. Nếu ai còn ôm-ấp tâm niệm ấy thời sự giận không thể nào dứt hết. Người kia lăng mạ tôi, đánh đập tôi, phá hoại tôi và cướp đoạt của tôi. Nếu ai đã bỏ được tâm niệm ấy thời sự oán giận tự nhiên san bằng."
 
cutranlacdao@yahoo.com




THA THỨ CHO NGƯỜI 
TK Thích Chân Tuệ


Một thiền sinh hỏi:
“Thưa sư phụ, con đau khổ vì cha mẹ tàn nhẫn, người yêu con ruồng bỏ, anh em phản bội, bạn bè phá hoại… Con phải làm sao để hết oán hờn và thù ghét đây?”
Vị sư phụ đáp:
“Con ngồi xuống tịnh tâm, tha thứ hết cho họ”.
Vài hôm sau, người đệ tử trở lại:
“Con đã học được tha thứ cho họ sư phụ ạ. Thật nhẹ cả người! Coi như xong!”

Sư phụ đáp:
“Chưa xong, con về tịnh tâm, mở hết lòng ra thương yêu họ”.
Người đệ tử gải đầu:
“Tha thứ thôi cũng đã quá khó, lại phải thương yêu họ thì… Thôi được, con sẽ làm”
Một tuần sau, người đệ tử trở lại, mặt vui vẻ hẳn, khoe với sư phụ là đã làm được việc thương những người mà trước đây đã từng đối xử tệ bạc với mình.
Sư phụ gật gù bảo:
“Tốt! Bây giờ con về tịnh tâm, ghi ơn họ. Nếu không có họ đóng những vai trò đó thì con đâu có cơ hội tiến hóa tâm linh như vậy”.

Người đệ tử trở lại, lần nầy tin tưởng rằng mình đã học xong bài vở.
Anh tuyên bố:
“Con đã học được và ghi ơn hết mọi người đã cho con cơ hội học được sự tha thứ!”
Sư phụ cười:
“Vậy thì con về tịnh tâm lại đi nhé. Họ đã đóng đúng vai trò của họ chứ họ có lầm lỗi gì mà con tha thứ hay không tha thứ.”

SUY NGẪM:
Câu chuyện thật ý nghĩa, chúng ta có thể nhận ra rằng tha thứ giúp cho chúng ta đóng lại những đau thương, bất công trong quá khứ và nhìn nhận các sự việc rõ ràng để buông xuống.

Tha thứ giúp cho chúng ta mở rộng lòng yêu thương, giúp cho ta nhìn lại chính mình đã làm hao phí năng lượng khi đánh mất lòng khoan dung.
Tha thứ chính là một tiến trình tiến hóa tích cực của nội tâm, khi chúng ta thật sự đối diện và buông xuống những đau thương, mất mát, bất công… chúng ta sẽ không còn mang lòng oán hận, giận dữ…
từ đó giúp cho chúng ta không nuôi dưỡng những niềm cay đắng, phẫn uất, trả thù…
để rồi tạo thêm những điều bất thiện ở hiện tại và tương lai lại phải nhận sự khổ đau.
Qua đó, chúng ta nhận rõ tha thứ giúp cho chúng ta sống an ổn hiện tại và tương lai.
Vì vậy, có thể nói rằng “tha thứ cho người khác chính là tha thứ cho chính mình”,
vì khi chúng ta buông bỏ lòng thù hận, sẽ giúp cho tâm mình luôn bình an.

Tâm bình an sẽ là chất liệu để tạo dựng nên lòng yêu thương từ bi cho mình và cho tất cả.
Đọc và suy ngẫm câu chuyện một lần nữa, chúng ta thấy rõ như một trình tự khi bạn biết tha thứ , bạn sẽ có lại tình thương với những đối tượng đã gây cho mình đau khổ mà bấy lâu mình đánh mất vì thiếu lòng khoan dung , hiện khởi Tâm Từ Bi rộng lớn, nhớ ơn tất cả đã cho chúng ta sự thành tựu này và chợt nhận ra rằng “vạn pháp vốn bình đẳng”.
Trên bước đường tu tập của người con Phật, chúng ta phải cảm ơn những bậc thiện hữu tri thức đã đưa đến cho mình nghịch duyên để chúng ta có cơ hội nâng cao đời sống tâm linh của chính mình.

Nghịch tăng thượng duyên là vậy!
Thật vậy, nếu lúc nào cũng thuận duyên, cũng đều được quí mến thì ta dễ dàng bị ru ngủ trong niềm tự hào, hãnh diện , ta đang biến mình thành nô lệ cho sự cống cao ngã mạn… tự đánh mất chính mình lúc nào không hay.
Vì vậy, vị Sư đã dạy người học trò của mình phải biết ghi ơn những người đã đem đến cho mình những phiền não, oan uổng…. để chúng ta có cơ hội nhìn lại chính mình, thực hành và chuyển hóa nội tâm, để nhận chân sự thật “chẳng có ai là người tha thứ và được tha thứ cả!”
Với tôi, việc học cách tha thứ và hành theo những lời dạy của Chư Phật, Chư Tổ không phải đơn giản và dễ dàng nhưng cũng không phải là quá khó nếu mình muốn và tôi đã bắt đầu cho những sự việc nhỏ nhất từ trong cuộc sống của chính mình với mọi người xung quanh…để có được sự bình an hạnh phúc chân thật!

Cổ Đức có câu này: 
Càng buông bỏ dưới chân này.Ấy là chỗ đứng càng ngày càng cao. Tha thứ hay không tha thứ là lối suy nghĩ nhị biên.
Con người thường sống trong thế giới nhị biên nên thường phiền não và khổ đau.
Thế giới nhị biên là sự suy nghĩ: thị/phi, đúng/sai, phải/quấy, tốt/xấu, trắng/đen.
Người nào đạt được "thế giới bất nhị" hay hiểu được và hành được "pháp môn bất nhị"
người đó đạt an lạc và hạnh phúc, xa hơn, người đó đạt được "giác ngộ và giải thoát".  


 BƯỚC SEN THỨ BẢY - QUẢ VỊ PHẬT
TKN.Thích Nữ Chân Liễu

Mùa Phật Đản đối với những người con Phật là mùa hoa sen nở, thật khó có thể diễn tả hết được niềm hỷ lạc bình an một cách vi diệu trong mùa lễ hội nầy. Hạnh phúc thay, lành thay bậc trí tuệ giác ngộ ra đời.

Cách nay 2635 năm, tại vườn Lâm tỳ ni, thành Ca tỳ la vệ, Thái tử Tất đạt đa chào đời, như bao hài nhi khác, là một con người sống trên thế giới ta bà, thật sự có cha mẹ, có gia đình và thân bằng quyến thuộc.

A.- Theo truyền thuyết, ngay khi đản sanh, Thái tử Tất đạt đa đi 7 bước, có 7 đóa sen đỡ chân. Truyền thuyết nầy mang nhiều ý nghĩa thâm sâu và nếu hiểu theo tinh thần tu học, có rất nhiều lợi ích cho người tu.

Một vị Phật ra đời, hay một con người ở thế gian phát tâm bồ đề, đều có thể tu giải thoát, đạt đến địa vị Tôn Quí Tối Thượng. Sự đản sanh của một vị Bồ Tát hy sinh cả cuộc đời vì lòng đại từ đại bi vô tận và đã hành Bồ tát đạo nhiều đời nhiều kiếp, kiếp cuối (nhất sanh bổ xứ) trải qua nhiều khổ hạnh và thiền định, với tâm tầm đạo giải thoát, cứu khổ chúng sinh.

1.- SÁU BƯỚC HOA SEN

HÀNH BỒ TÁT ĐẠO

Thái tử Tất đạt đa sau khi cắt đứt mọi trần duyên ràng buộc, xuất gia tu hành  chứng túc mạng minh, thấy biết nhiều đời kiếp trước, Ngài đã từng sanh ở đâu, làm gì, trong lục đạo; tất cả những chuyện quá khứ, được chính Đức Phật thuyết và các vị tỳ kheo kết tập lại trong Kinh Bổn Sanh Bổn Sự.

Như vậy, đã nhiều kiếp trước khi thành Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, Đức Phật cũng đã trải qua sáu nẻo đường sanh tử luân hồi.

Hình ảnh bánh xe luân hồi diễn tả sự trôi lăn tử sinh của chúng sanh trong lục đạo, tức sáu cảnh giới: trời, người, atula, địa ngục, ngạ quỉ và súc sanh.

Giáo lý đạo Phật chủ trương không tin vào một thượng đế sáng tạo, toàn năng, toàn quyền, thưởng phạt con người tùy tiện theo lòng thương ghét.

Giáo lý đạo Phật giải luật nhân quả rất rõ ràng. Niềm tin sâu xa vào luật nhân quả bình đẳng, giúp con người tâm bình an, dù bao phiền não xảy ra, bởi: từ thân, khẩu, ý, người tạo nghiệp thiện hưởng kết quả, người tạo nghiệp ác chịu hậu quả; dù là người thân yêu nhất muốn cứu hay thay thế cũng không được. 

Dụ như hòn đá nặng tất phải chìm trong nước, giọt dầu nhẹ tất nhiên nổi trên mặt nước, đó là nhân quả không sai.Niềm tin sâu luật nhân quả thiện ác ảnh hưởng vào sự tái sanh 6 cõi luân hồi (thiên, nhơn, atula, địa ngục, ngạ quỉ và súc sanh). 

**Cõi Thiên: Sanh về cõi trời, nơi phúc lạc thế gian, hưởng phước đã tạo tác.
**Cõi Nhơn: Sanh vào nhân gian làm người, giàu hay nghèo, có thiện có ác.
**Cõi TuLa: Sanh nhà quyền quí, phước báo gia đình, cùng chung cộng nghiệp.
**Cõi Địa Ngục: Sanh vào nơi đau khổ, vì nghiệp ác sâu dầy, thiện nghiệp ít.
**Cõi Ngạ Quỉ: Sanh vào nơi bất tịnh, vì nghiệp bỏn sẻn, tham lam ích kỷ.
**Cõi Súc Sanh: Sanh vào nơi cầm thú, vì nghiệp sát, si mê quá nặng.

Tuy sống trong lục đạo luân hồi, nhưng các tiền kiếp Đức Phật là vị Bồ Tát hằng sống với Bát Chánh Đạo (chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định) và thường hành Lục Độ Ba La Mật (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ). 

Sự nổ lực tu tập Bồ tát hạnh, thực hành Bồ tát đạo của riêng từng cá nhân con người trong thế gian, có thể vượt thoát khỏi lục đạo sanh tử hay không? 

Bước hoa sen thứ 7 nói lên rằng: điều đó có thể, điều đó không do ân huệ trời ban cho, hay thần linh thượng đế dành phần riêng cho ai cả, mà chính do nơi tâm đại từ, đại bi, đại lực, đại tinh tấn của người tự tu, tự chứng đạt được mà thôi. 

2.- BƯỚC SEN THỨ BẢY

QUẢ VỊ PHẬT
 
Sáu bước sen tinh khiết được tích tụ từ Bồ tát hạnh trong lục đạo. Với tâm từ bi, thanh tịnh, sáng suốt, nhiều đời nhiều kiếp tu hành, Bồ Tát từng xả bỏ thân mạng, cứu khổ ban vui, chan rải ánh sángtừ bi và trí tuệ cho muôn loài.


Ý nghĩa của 6 bước hoa sen đầu tiên thể hiện sự luân hồi trong lục đạo. Thái tử Tất đạt đa dừng lại ở bước sen thứ 7, đó chính là kiếp cuối cùng, chứng đắc quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác, ngay trong cõi nhân gian này. 


Đức Phật khi đản sanh bước đi được đến đóa sen thứ bảy, chứng thực một sự thật sâu xa, thật khó thấy khó hiểu, khó nghĩ bàn. Đó là Niết Bàn tịch tịnh của chính con người tu từ bi và trí tuệ, tự cảm nhận được một cách rõ ràng mà thôi.


Đệ tử Phật môn, muốn vượt thoát ra khỏi sự khổ nạn trong 6 cõi luân hồi sanh tử và bước vào được hoa sen thứ 7, đạt đến Niết Bàn an tịnh không còn đau khổ nữa, cần phải tu học và thực hành theo lời Đức Phật dạy:


Con người phải chiến đấu mạnh mẽ với tâm tham lam, tâm sân hận, tâm si mê và phải dùng gươm trí tuệ cắt đứt những đam mê dục vọng danh lợi mà người thế gian cho là quí cần chiếm đoạt và hưởng thụ.


B. Theo truyền thuyết, ngay khi đản sanh, Thái tử Tất đạt đa đi 7 bước, có 7 đóa sen đỡ chân. Khi dừng lại trên hoa sen thứ 7, Thái tử Tất đạt đa tay mặt chỉ lên trời, tay trái chỉ xuống đất, có ý nghĩa là làm phải (tốt) thì sanh lên cõi trên thiên, nhơn, atula, làm trái (ác) thì đọa xuống cõi dưới địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh và tuyên bố:
“Thiện thượng thiên hạ,duy ngã độc tôn”.

Trong cuộc đời này, con người thường sống với vọng tâm, vọng ngã, trôi lăn theo cảnh trần đối đãi thị phi, thương ghét, thay đổi tùy duyên tốt xấu bên ngoài, cho nên tâm luôn luôn bất an, loạn động, phiền não, khổ đau.

Cốt tủy của đạo Phật dạy là: con người nên biết sống với chân tâm, chân ngã, không dính mắc, không trôi lăn, dù cảnh trần đời vô thường, biến đổi, tâm vẫn an nhiên tự tại. Đó chính là ý nghĩa thâm sâu của thuyết vô ngã, hay duy ngã độc tôn.

Đức Phật dạy:

Ai còn tham luyến tức còn ngã ái chấp đây là của tôi, ngã mạn chấp đây là tôi, ngã kiến chấp đây là tự ngã của tôi, thời có dao động. Ai không tham luyến, thời không dao động. Ai không dao động, thời được khinh an. Ai được khinh an thời không còn chấp . Ai không còn chấp, thời không có đến và đi. Ai không có đến và đi, thời không có sanh diệt. Ai không còn sanh diệt, thời không có đời này đời sau, không có giữa hai đời. Đây là sự đoạn tận khổ đau.   (Niết bàn - Tương Ưng Bộ Kinh)


Chấp ngã, ham muốn, dục vọng càng to, càng xa Niết Bàn. Đức Phật là bậc đại từ, đại bi, đại trí, đại lực, xa rời tất cả ác pháp, sáng suốt phá tan vô minh phiền não, vượt qua đối đãi (nhị nguyên), đạt được Niết Bàn tịch tịnh. 

Người phàm trần thường chấp đúng sai, hơn thua, thương ghét, tốt xấu, khen chê, thật giả, nên bị chi phối, trói buộc, mê mờ, vô minh luân hồi sanh tử mãi, không thoát ra được.

Cũng chính vì cái bản ngã ràng buộc mà chúng sanh chìm nổi trong biễn khổ luân hồi. Đức Phật dạy pháp quán vô ngã, nhìn cho thấu đáo tứ đại đều do duyên hợp thành, chưa diệt được cái ta tự tôn tự đại, thì còn đau khổ, còn sanh tử. Chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc, bước ra khỏi lục đạo là giải thoát sanh tử.
Theo "Lý duyên khởi" thì:

*- Cái nầy có, thì cái kia có (có ham muốn ích kỷ, thì có đau khổ tranh chấp)
*- Cái nầy sanh, thì cái kia sanh (có trói buộc tham ái, thì có thù oán sân hận)
*- Cái nầy không, thì cái kia cũng không (không có tham dục, không có ưu bi khổ não)
*- Cái nầy diệt, thì cái kia cũng diệt (bản ngã diệt, vô minh sanh tử diệt).
Vô minh sanh tử diệt, đạt cứu cánh Niết Bàn.

Đức Phật không đến từ một cõi siêu nhiên thần bí nào. Bản chất một con người, Ngài luôn cảm nhận được một cách trọn vẹn nỗi thống khổ của đời người, từ lúc sanh ra, già, bịnh và chết.
Sau khi chứng quả Vô Thượng Bồ Đề, Đức Phật lưu lại thế gian thuyết pháp và giáo hóa cho tất cả chúng sanh bằng tâm từ bi bình đẳng tuyệt đối, chỉ rõ con đường tu để đạt đến Niết Bàn tịnh lạc. Đức Phật tuyên bố:

"Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành".
                               **
Phiền não biết, phiền não đoạn.
Tham sân biết, tham sân dứt.
Vui buồn biết, buồn vui dừng.
Thiện ác biết, thiện ác bặt.
Từng sát na biết, còn gì dính mắc.
Tự tại vĩnh hằng.
Trời xanh mây trắng bay. []

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật




IM LẶNG MỘT NGHỆ THUẬT SỐNG

Im lặng là vàng. Có thực sự vậy không? Có những khi cần phải nói, thậm chí là nói nhiều, để khả dĩ mang lại lợi ích cho người khác, để giải hoà, để hoà hợp và cảm thông, hoặc để bảo vệ chân lý.
Tuy nhiên, có đôi khi lại cần im lặng, lúc đó sự im lặng có giá trị hơn nhiều. Và lúc này chính sự im lặng lại “nói” nhiều hơn. Đó là đặc ngữ của sự im lặng, một loại văn hoá kỳ diệu, nhưng không dễ thực hiện.

Nói hoặc im lặng đều phải đúng nơi, đúng lúc, đúng người, và chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết. Lời nói có thể là lưỡi gươm, mà gươm chưa dùng thì cứ để trong bao. Im lặng là diệu kế nếu lời nói vô ích, nếu không thì có thể phản tác dụng.

Thật chí lý câu nói của T. Man: “Người khôn ngoan mang tất cả tài sản vào trong đầu”. Đó chính là giá trị của sự im lặng. Nhưng khi nào nên im lặng?

1. Khi người khác buồn phiền, đau khổ
Biết vui với người vui, buồn với người buồn. Đó là động thái của người có giáo dưỡng, tri thức, biết điều, biết cư xử và thấu cảm. Không gì vô duyên hơn khi người khác khóc mà mình lại cười – hoặc ngược lại. Sự “lệch pha” đó khả dĩ khiến chúng ta trở nên lố bịch, hợm hĩnh và kiêu ngạo.

2. Khi người khác suy tư, lao động trí óc
Sự im lặng là “vương quốc” của hoạt động trí óc. Nhờ đó mà có những kiệt tác, sự cao thượng, sự hiểu biết, sự trưởng thành, sự hồi tâm… Văn hào W. Goethe xác định: “Tài năng được nuôi dưỡng trong cô tịch, còn chí khí được tạo bởi những cơn sóng dữ của giông tố cuộc đời”. Thấy người khác trầm tư mặc tưởng, đừng phá “khoảng riêng” của họ. Sự im lặng lúc đó thực sự cần thiết và có ý nghĩa.

3. Khi người khác không hiểu mình
Khi chưa được hiểu, chúng ta cần cởi mở và hoà đồng để người khác có thể hiểu mình hơn – dù không thể hiểu hết. Nhưng nếu bạn cảm thấy người ta thực sự không thể hiểu hoặc không muốn hiểu thì tốt nhất là im lặng. Nếu không, những gì bạn nói có thể gây “dị ứng” hoặc hiềm thù.

4. Khi người khác nói về vấn đề mình không am hiểu
Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe. Người khôn ngoan chỉ nói những điều mình biết rõ và hoàn toàn im lặng đối với những gì mình không biết hoặc mơ hồ. Đừng ảo tưởng mình là “bách khoa tự điển”. Nhà bác học A. Edison nói: “Điều chúng ta biết chỉ là một giọt nước, điều chúng ta không biết là cả đại dương”. Còn hiền triết Socrates thừa nhận: “Tôi không biết gì cả, đó là điều tôi biết rõ nhất”. Chỉ là người bình thường, chúng ta càng cần khiêm nhường mà biết im lặng.

5. Khi người khác khoe khoang, lý sự
Thùng rỗng kêu to. Càng hiểu biết người ta càng ít nói, thâm trầm và cảm thông. Trong 4 phép toán, phép trừ là… “dễ” nhất, nhưng lại đầy ý nghĩa. Chỉ vì ngu dốt nên mới độc đoán, khắt khe hoặc cố chấp. Khoe khoang và lý sự là “đặc điểm” của đầu óc nông cạn, thiển cận. Dốt thì hay nói chữ để cố che lấp khiếm khuyết của mình.

6. Khi người khác không cần mình góp ý kiến
Đừng bao giờ “xía” vào chuyện của người khác hoặc tò mò chuyện của họ. Vả lại, nói nhiều thì sai nhiều. Nói thiên lệch thì mất lẽ chính, nói huênh hoang rồi đến chỗ đuối, nói xiên xẹo rồi đến chỗ sai trái, nói giấu giếm sẽ đến chỗ cùng.

Cibbon nói: “Đàm luận khiến người ta hiểu biết, nhưng im lặng là trường học của sự khôn ngoan”. Im lặng còn là yêu thương, tha thứ, và là cuộc sống.
Tuân Tử dạy: “Im lặng, lắng nghe, ghi nhớ, hành động và khôn ngoan là 5 cung bậc khác nhau của trí tuệ”. Có thể coi đây là ngũ-cung-sống của cuộc đời. Tóm lại, im lặng là một nghệ thuật kỳ diệu và là cách thể hiện văn hoá cao cấp.

Nói ra được thì tốt nhưng có khi im lặng lại tốt hơn. Ta nên học lắng nghe để hiểu, dừng lại để thương. Nhưng khó đấy, bài học này chỉ dành tặng cho những ai đã biết buông bỏ ngạo mạn, biết đời sống là vô thường bất chợt.

Vừa rồi trò chuyện với người bạn, anh ta nói: trong cuộc sống, rất ít người chịu học lắng nghe và im lặng. Bởi vì họ không muốn thua kém, không muốn khiêm cung để nghe rõ những gì người khác nói. Thậm chí, họ giành nói như để tận dụng hết thời gian gặp nhau, sợ thiệt thòi khi ra về mà đối phương chưa rõ hết câu chuyện. Thì vậy, cuộc sống là muôn màu!

Ngày xưa, ngay chính ta cũng ham nói, vào cuôc họp cứ luyên thuyên bất tận, ra café với bạn thì lắm nỗi niềm… Lúc nào cũng muốn nói ra, muốn trút xuống, có khi quá cao trào bi đát, khóc thương. Nghĩ lại, ngày xưa ta ích kỷ thật, chỉ muốn nói cho thỏa. Thậm chí, hay gân cổ cãi lại mỗi khi có vấn đề gì đó về quan điểm. Người sai rồi, ta đúng! Rồi… ta đã được gì trong “đúng – sai” đó?

Thật vậy, nhu cầu chia sẻ ai cũng có. Nhưng để làm người hứng chịu và biết lắng nghe, đếm được mấy người? Cảm xúc con người vô cùng phức tạp, tuổi càng cao, trái tim càng thu nhỏ, dù đã được bao bọc rất kỹ nhưng chỉ cần một lời nói vu vơ cũng có thể như mũi nhọn xé nát lòng người. Thành ra, người lớn chỉ nghĩ mà không cần nói, còn người trẻ thì cứ nói mà không cần nghĩ!

Người ta càng về già càng thấy cô đơn, hay hoài niệm về thời son trẻ rồi bới tìm, rồi thở dài… Có lẽ, họ tiếc nuối điều gì của ngày đã qua. Người trẻ thì nôn nao mong cho ngày mau tới, sẽ vứt bỏ nếu không thích, cần gì người khác hiểu. Và dĩ nhiên không bao giờ chịu im lặng!

Ta ví cuộc đời như trò chơi xếp chữ. Ai cũng được phát cho 1000 miếng, ai cũng có thời gian hoàn thành giống nhau. Chỉ có điều là con người ít khi kiên nhẫn chịu xếp cho mình đến mảnh cuối cùng để tận hưởng vẻ đẹp thực sự nằm bên trong đâu đó.

Đa phần người ta than thở hoặc nóng nảy và cố gắng chắp vá, chồng chéo tất cả vào nhau, rối tung, mệt mỏi, chán nản, trách đời bất công, sao ông trời khó khăn với người này, dễ dãi với người kia?

Chỉ có những ai đi đến cuối cùng của sự tận tụy mới nhận ra bức tranh cuộc sống thật đẹp, thật xứng đáng. Và có khi để hoàn thành nó, người ta đã âm thầm đi tìm, luôn kiên nhẫn và im lặng. Người ta phải nhẹ nhàng tìm kiếm, kể cả chẳng may ghép vài lần mà không đúng.

Thì đã sao? Ta có 1.000 cơ hội kia mà. Lần này chưa được, lần sau sẽ được, chỉ cần bạn đủ niềm tin. Vì tin sẽ thấy, tìm sẽ gặp. Nếu ta tin chắc chắn mình sẽ hạnh phúc thì đã có hạnh phúc rồi đấy.

Hạnh phúc ngay giây phút này đây, yên bình và thanh thản. Không một chút quấy rầy, không chết chóc hay chiến tranh. Đẹp quá phải không? Nếu có nhiều hạnh phúc hơn thế, hãy mang chia sẻ nhé nhưng nhớ lặng thầm. Khẽ thôi, họ sẽ biết cảm nhận. Yên tâm…!!! 
(BBT SƯU TẦM)


NHÂT CHI MAI - XUÂN DI LẶC
BÁT PHONG SUY BẤT ĐỘNG
HẠNH BỐ THÍ
TÔN GIÁO LÀ MÊ TÍN
NĂM ĐIỀU QUAN TRỌNG CỦA ĐẠO PHẬT (CON TIN TRONG CHÙA)
BẤT TÙY PHÂN BIỆT- CỨU KÍNH CỦA ĐẠO PHẬT
HIỆN TƯỢNG MÊ TÍN TRONG CÁC TÔN GIÁO
TU TÂM DƯỠNG TÁNH