TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Monday 1 February 2016

*** NHẤT CHI MAI - Ý NGHĨA XUÂN DI LẶC


NHẤT CHI MAI
Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ


Trong dịp năm hết tết đến, mọi người đều nhắc đến hoa mai. Trong văn học đại chúng, cũng như  văn học Phật giáo, có nhiều bài văn bài thơ cảm tác về mùa xuân thường đề cập đến hoa mai. Những vần thơ bất hủ, những áng văn trác tuyệt đi vào lòng người thường được nhắc tới, những câu thơ tuyệt bích trong thi ca Thiền học về không gian và thời gian, như bài thi kệ "Cáo tật thị chúng" của Mãn Giác Thiền sư:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhứt chi mai
tạm dịch:
Xuân đi trăm hoa rơi
Xuân đến trăm hoa nở
Việc đời qua trước mắt
Già theo đến trên đầu
Chớ bảo xuân qua hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai
*
Thiền sư Mãn Giác (1052 - 1096) họ Nguyễn tên Trường, người xứ Lũng Chiền, làng An Cách, con của Trung Thư Viên Ngoại Lang Hoài Tố, ham học, từ trẻ đã học hỏi nhiều và thông hiểu về Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo, được vua Lý Nhân Tông khen ngợi, triệu vào cung và ban cho tên Hoài Tín. Sau đó xuất gia, thuộc dòng thiền Vô Ngôn Thông, thế hệ thứ 8. Vua Lý Nhân Tông và Hoàng Hậu rất mến trọng sư, cho xây một cảnh chùa cạnh cung Cảnh Hưng để tiện việc tham hỏi về Phật học. Thiền sư mất năm 45 tuổi. Vua ban hiệu là Mãn Giác. Rất tiếc các sáng tác của sư không còn giữ lại, chỉ còn một bài "Cáo tật thị chúng" (Báo bệnh dạy chúng) rất nổi tiếng trong văn đàn Việt Nam.
* * *
Trước hết, về phương diện văn chương, đây là một trong những bài thơ tuyệt vời, thường được trong giới nhà thiền hay những văn nhân thi sĩ nhắc lại cái hay, cái đẹp của ý tứ thơ vào những độ xuân về. 

Về phương diện ý nghĩa, bài kệ "Cáo tật thị chúng" của Mãn Giác Thiền sư, làm ra trước khi viên tịch, có ý nhắc các đệ tử rằng: xuân đến thì trăm hoa nở, xuân đi trăm hoa rụng, đó là qui luật tuần hoàn, như thiên nhiên có đến có đi, hoa có nở có tàn, con người có sinh có diệt. Điều này có thể nghiệm thấy qua mái tóc bạc trên đầu, thân thể bệnh tật, chuyện gì rồi cũng qua!

Nhưng, đừng tưởng xuân qua hoa rụng hết, đêm qua, sân trước, vẫn còn nhánh mai. Nghĩa là đừng tưởng con người ra đi là cuộc đời kết thúc. Thực ra, cuộc đời vẫn tiếp diễn theo qui luật thiên nhiên, mọi người vẫn tiếp tục cuộc sống, cây cỏ vẫn tốt tươi trở lại sau mùa đông băng giá: xuân qua, hạ đến, thu sang, đông tàn!

Lời thơ uyên áo, thiền vị, ý nghĩa tuyệt vời! Nhứt chi mai là niềm hi vọng, là cái tốt trên đời không thể mất, là sự tồn tại của các giá trị siêu việt. Người tục hiểu khác người tu, nhưng cả hai đều thấy có cái trường tồn bất diệt chi phối cõi đời này. Đó thiệt là điều đáng quí! Bài thơ quả là một thông điệp rất lạc quan!

Ngoài giá trị thi ca tuyệt tác, bài thơ sáu dòng trên nói lên sở ngộ của một bậc thiền sư. Giữa dòng đời mọi vật đều vô thường, biến đổi: đến đi, nở tàn, ngày đêm, trước sau, vẫn có mặt cái thực tại như thật, cái thực tại luôn hiện hữu cùng với con người, mà con người thường không thấy, hay bị che khuất bởi các tướng sinh diệt.

Thiền sư thì thấy rất rõ: hình ảnh nhánh mai vàng rạng rỡ trước sân của thời điểm xuân tàn. Không phải chỉ có nhánh mai ở bên ngoài cảnh vật, còn hiện diện một nhánh mai vàng rực rỡ trong tâm thức con người, dù cho tâm trạng phiền não của buổi xuân tàn.

Bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, không gian và thời gian nào, con người cũng có điều kiện mỉm cười ngắm nhìn nhánh mai ấy, mặc cho sóng gió của lịch sử, hay bát phong của cuộc đời, cũng không đủ để dập tắt nụ cười ấy, nụ cười của một bậc thiền sư.
Cái sở ngộ thực tại, cái thấy thực tại ấy, khiến hành giả sống rất lạc quan, sống với niềm tin không sinh không diệt trong cuộc sống.

Há đây không phải là một sức mạnh tâm lý phi thường, đánh thức tâm thức con người, trước bao nhiêu cảnh xuân tàn đó hay sao? Đây mới thực sự là điểm sống của bài thơ trên, và là điểm sống của thi ca, văn chương thiền học Việt Nam. Về phương diện tu học, mùa xuân có đến ắt có đi theo qui luật tuần hoàn của thiên nhiên, không vĩnh viễn tồn tại, cũng không vĩnh viễn mất đi, có đi ắt có đến theo vòng sanh tử luân hồi. 

Con người cũng không tránh khỏi các qui luật này. Trong vòng sanh tử luân hồi, con người đã bao lần trải qua 4 giai đoạn: sanh, trụ, dị, diệt! Muốn thoát ly được sanh tử luân hồi, người tu theo Phật phải làm sao giác ngộ được bản tâm thanh tịnh bất sanh bất diệt.  
Trong cuộc sống, khi tiếp xúc với cảnh trần, tâm con người sanh ra không biết bao nhiêu phiền não khổ đau. Muốn dẹp bỏ các tâm trạng bất an này, con người cần áp dụng tứ vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả. Khi các vọng tâm phiền não hoàn toàn dứt sạch, con người đạt được cảnh giới vô tâm.

Vô tâm tức là không còn bị các vọng tâm phiền não gây khổ đau nữa, nói cách khác: tức là không còn tâm tham lam, sân hận, si mê, ganh tị, đố kỵ, làm phách, mắc mỏ, ỷ già, ỷ tài, ỷ giàu sang, đang thế lực, lăng xăng lộn xộn. Khi tất cả những thứ đó rơi rụng hết trơn, ví như xuân tàn hoa lạc tận, thì lúc đó bản tâm thanh tịnh, hay chân tâm, hiển lộ. Chân tâm bình đẳng là con người chân thật. Khi đó, con người  chân thật sống trong an nhiên tự tại của niết bàn.
 
Nếu như phiền não (tham, sân, si) chưa dứt sạch (hoa tàn chưa rụng hết trơn), làm sao thấy được chân tâm, làm sao thấy được nhứt chi mai? Ví như mặt trời luôn sáng tỏ, nhưng vì bị mây đen (phiền não) che khuất, ánh sáng trí tuệ không tỏ đó thôi! Nếu người nào hiểu được rõ ràng thì phước biết bao! Người nào bớt được phiền não khổ đau, thì người xung quanh cũng đỡ khổ biết bao!

Cho nên kinh sách có câu: vô tâm tức niết bàn, chính là nghĩa đó vậy!
Cũng như Thiền sư Mãn Giác đã nói: hoa rụng hết, tức là các phiền não rụng hết. Khi ấy, tâm thanh tịnh hiện tiền, cũng như một nhánh mai hiện diện nơi sân trước hồi đêm qua. Sân trước, sân sau, đêm qua, đêm nay, ngụ ý chỉ sự đối đãi, sự tương đối, trên đời này: có đúng có sai, có phải có quấy, có sáng có tối, có trước có sau, có chánh có tà, có đen có trắng, có ngày có đêm! 

Dù sống trong cảnh đời đối đãi nhị biên như vậy, nhưng nếu con người biết pháp môn tu tập, con người vẫn có thể giác ngộ được cái chân thật bất nhị, không còn thấy có hai, dù không gian, thời gian nào, dù người hay vật, sắc hay không, tượng trưng là: NHẤT CHI MAI. 

Thiền sư Mãn Giác diễn tả mùa xuân theo thời gian cứ tuần hoàn qua lại, xuân đi rồi xuân lại đến. Sự sự vật vật cũng theo thời gian sanh diệt, đổi thay thay đổi, gọi là cuộc đời vô thường! Mỗi khi xuân đến thì thấy hoa nở, xuân đi thì thấy hoa rụng. Hoa rụng hoa nở theo thời gian tức là sanh diệt, diệt sanh liên tục không ngừng. Con người cũng cùng chung số phận đó, vì tóc trên mái đầu đã bạc trắng cả rồi! Như vậy, thời gian chi phối cả vạn vật lẫn con người, không có cái gì tồn tại mãi với thời gian. Tất cả chúng ta rồi đây cũng sẽ tuần tự ra đi, kẻ trước người sau, không ai tránh khỏi! 
 
Người đời thường bi quan trước sự vô thường biến đổi của cuộc đời như vậy, nhưng qua hai câu chót, Thiền sư Mãn Giác kết thúc thật tuyệt vời:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhứt chi mai.

Thiền sư Mãn Giác nói: chớ bảo xuân qua là hoa rụng hết, vì đêm qua trước sân vẫn còn nhánh mai.

Thông thường, thời gian trôi qua, con người lẫn vạn vật, tất cả đều tàn phai hoại diệt. Nhưng trong khi cái vật chất hữu tướng bị hoại diệt đó, còn có một cái bất diệt, thời gian không hủy hoại được. Cũng như ngay trong thân năm uẩn sanh diệt vô thường của chúng ta, có cái thường hằng bất diệt, biểu trưng bằng một nhánh mai, tồn tại dù xuân đã qua.

Tóm lại, cái tâm suy nghĩ phân biệt, lăng xăng lộn xộn, là tâm duyên theo bóng dáng của trần đời bên ngoài. Tâm đó sanh diệt tùy duyên, tùy cảnh mà có, không thật. Còn bản tâm hằng tri hằng giác, không đợi nghĩ suy mới có, là tâm chân thật, là bản tâm thanh tịnh, không sanh không diệt.

Bản tâm đó giúp mình, việc đến biết đến, việc đi biết đi. Bản tâm đó không hình không tướng, thênh thang trùm khắp. Chúng ta thường ngày sống với cái tâm phân biệt hạn hẹp, tốt xấu hơn thua nên gọi là mê, mê lầm. Cái tâm phân biệt thì tùy duyên, duyên tốt thì hành xử tốt, duyên xấu thì hành xử xấu, cho nên tâm trạng sanh diệt, thay đổi luôn luôn.

Nếu người nào sống với cái tâm không sanh diệt trùm khắp thì gọi là giác, giác ngộ! Cái tâm chân thật không phân biệt, không sanh diệt, chính là cái “biết” đó thôi, không biến hoại và thường hằng. 
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhứt chi mai
tạm dịch:
Xuân đi trăm hoa rơi
Xuân đến trăm hoa nở
Việc đời qua trước mắt
Già theo đến trên đầu
Chớ bảo xuân qua hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai

Qua bài kệ trên đây, Thiền sư Mãn Giác nhắc cho đồ đệ cũng như chúng ta biết thân này có sanh ắt phải tử, nhưng trong cái thân sanh tử đó có cái tâm chân thật bất diệt. Đây chính là cốt tủy của đạo Phật vậy. 
 
Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ
cutranlacdao@yahoo.com
Ý NGHĨA XUÂN DI LẶC
 T-Khưu Thích-Chân-Tu


Theo truyền thống từ lâu đời của Tổ Tiên, từ nơi đô thành thị tứ, cho đến nông thôn xóm làng, vào ngày mùng một Tết Nguyên Ðán hằng năm, chúng ta cùng gia đình, thường hay đi chùa, lễ Phật tụng kinh, chí tâm cầu nguyện, chư Phật mười phương, thùy từ gia hộ, nhà cửa bình yên, gia đạo hạnh phúc, từ đầu năm chí những cuối năm. Ðồng thời chúng ta cũng gửi đến nhau những lời cầu chúc một năm tốt đẹp, vạn sự như ý, an lạc kiết tường. Trong nhà Phật, ngày mùng một Tết Nguyên Ðán đầu năm cũng là ngày vía đức Bồ Tát Di Lặc.
 
Chúng ta thường tụng: Nam Mô Ðương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật. Nghĩa là theo kinh điển Phật giáo, Bồ Tát Di Lặc sẽ thành một vị Phật trong tương lai. Như vậy, lễ vía đức Bồ Tát Di Lặc ngày đầu năm, đối với mọi người, mang ý nghĩa hy vọng được vạn sự kiết tường, vạn sự như ý trong năm mới. Còn đối với những người tu học, ngày vía đức Bồ Tát Di Lặc còn mang một ý nghĩa trọng đại, đó là sự tinh tấn tu tâm dưỡng tánh, quyết tâm quyết chí để chuyển hóa tâm trí, từ một phàm phu tục tử, đầy dẫy phiền não và khổ đau của ngày hôm nay, trở thành sáng suốt, giác ngộ và giải thoát của một vị Phật trong tương lai.
 
Nhân dịp đầu xuân năm nay, chúng ta hãy lắng lòng, dẹp qua một bên niềm ưu tư về những chuyện thăng trầm của thế sự, cùng nhau cố gắng tìm hiểu về đức Bồ Tát Di Lặc và những hạnh nguyện của Ngài, để áp dụng ngay trong cuộc sống của người Phật Tử tại gia, nhằm mục đích tạo được sự an lạc và hạnh phúc một cách trọn vẹn và thiết thực.

Theo quan niệm thông thường của dân gian, người ta thường kiêng cử đủ thứ chuyện trong ngày đầu năm mới, bởi vì cho rằng, chuyện gì xảy ra trong ngày đầu một năm sẽ "dông" suốt cả năm, nghĩa là chuyện đó sẽ được lặp lại nhiều lần trong suốt năm đó. Người ta coi hướng tốt để xuất hành, chọn những người "tốt tên tốt tướng" để mời đến nhà xông đất đầu năm, với niềm hy vọng được "hên" trọn năm, được tài lộc dồi dào suốt năm. Chẳng hạn người tên "Vinh" đi cùng với người tên "Quang", hoặc người tên "Tấn" đi cùng với người tên "Phát", hoặc người tên "Tài" đi cùng với người tên "Lộc" đến thăm, trong ngày đầu năm thì được lắm, tốt lắm, hoan nghênh. Còn như người tên "Quan" đi cùng với người tên "Tài", thì không được đâu. Ngày đầu một năm người ta kiêng cử không quét nhà, kiêng cử không khua chén đũa bát đĩa, với niềm hy vọng giữ được sự sung túc, an hòa trong gia đạo suốt năm.

Thực sự, ai ai cũng biết rằng những điều đó không đúng thực tế, người ta chỉ nghĩ và làm theo thói quen, theo phong tục tập quán, với niềm hy vọng được điều này điều kia, chứ không có căn cứ vào đâu cả, và nhất là không đúng với Chánh Pháp, nhưng cho đến ngày nay, vẫn còn không ít người cứ tin như vậy. Bởi thế cho nên, trong đạo Phật, chư Tổ chọn ngày mùng một Tết Nguyên Ðán là ngày vía đức Di Lặc và Phật Tử chúng ta thường gọi mùa xuân hằng năm là "Xuân Di Lặc", mang ý nghĩa "Xuân Hoan Hỷ", "Xuân Hy Vọng", hay "Xuân Hạnh Phúc". Ý nghĩa này hết sức tích cực, thâm trầm và lợi ích, chúng ta nên cùng nhau tìm hiểu.



Trước hết, chúng ta được biết, hình ảnh của đức Di Lặc được thờ trong các chùa, trông rất khỏe mạnh, mập mạp, và gương mặt luôn luôn tươi cười một cách hoan hỷ. Ðặc biệt, chúng ta thấy có sáu đứa bé bám trên thân của Ngài. Ðứa thì móc mắt, đứa thì móc mũi, đứa thì móc miệng, đứa thì chọc lỗ tai, đứa thì moi rún, mà Ngài vẫn tươi cười, như không có chuyện gì làm cho Ngài phải phiền hà bực dọc hết trơn. Hình ảnh của sáu đứa bé chính là bài học tích cực, giúp chúng ta xây dựng được một cuộc sống an lạc và hạnh phúc cho chính chúng ta và cho những người chung quanh, ngay trong hiện đời, ngay trong cuộc sống đầy phiền não và khổ đau này.
 
Có người còn gọi bức tượng đó là "Phật Hoan Hỷ". Ðầu năm đến chùa cúng vái Ngài để được "hoan hỷ" suốt năm. Nhưng cũng có nhiều người hiểu lầm cho đó là vị thần có nhiều con cái, để những ai muốn có con, hãy đến lễ lạy Ngài mà cầu xin! Cũng có nhiều người lầm lẫn với bức tượng khác của một vị thần to béo, miệng cười toe toét, có vẻ khoái trá, hai tay nâng một lượng vàng, đó chính là tượng thần tài, không liên quan gì đến Phật giáo.
Sáu đứa bé bám vào thân của Ngài đó tượng trưng cho "lục tặc", tức là sáu tên giặc chuyên gây phiền não, gây rắc rối, gây bực dọc cho chúng ta trong cuộc sống thường ngày. Sáu tên giặc đó là những ai? Làm sao chúng có thể gây rắc rối cho cuộc đời của chúng ta được? Chúng ta cần nhận diện rõ ràng sáu tên giặc đó, mới có thể điều phục được chúng, để xây dựng cuộc sống an lạc và hạnh phúc, một cách tích cực hơn.
 
Chúng ta có lục căn, tức là sáu giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. 
**Với hai con mắt, chúng ta trông thấy những hình ảnh nào dễ thương, hạp nhãn, thì sanh tâm đắm nhiễm, nhớ nhung, tham luyến, muốn chiếm đoạt làm của riêng mình; còn nếu trông thấy những hình ảnh khó ưa, xấu xí, thấy phát ghét, thì sanh tâm bực dọc, tức giận, bất an. 
**Với hai cái tai, chúng ta nghe những tiếng êm dịu, tâng bốc, thì sanh tâm đắm nhiễm, ưa thích; còn nếu nghe những lời chỉ trích khó nghe, chạm đến tự ái, chạm đến bản ngã to lớn của mình, thì không kham nhẫn, nên sanh tâm sân hận, oán ghét, bất an.
**Với cái mũi, chúng ta chỉ thích những mùi hương thơm ngát, dễ chịu và ghét những mùi khó chịu, những mùi lạ không vừa ý, nên sanh tâm bực dọc, bất an. 
**Với cái lưỡi, chúng ta chỉ thích ăn ngon khoái khẩu, hạp vị, mà không nghĩ đến sự đau khổ của các chúng sanh bị giết làm thịt; còn nếu không được ngon miệng, thì sanh tâm bực bội, gắt gỏng, bất an.
**Với cái thân tứ đại giả tạm này, nhưng vì mê lầm, chúng ta thường chấp là chính mình, chúng ta chỉ thích mặc đẹp và những xúc chạm vừa ý; còn nếu không được như ý, thì sanh tâm cau có, quạu quọ, tức tối, bất an. 
**Quan trọng hơn cả với cái tâm ý lăng xăng lộn xộn, không một giây phút ngừng nghỉ, chúng ta luôn luôn suy tư, nghĩ tưởng lung tung, linh tinh lang tang, tính toán những điều gì có lợi cho bản thân mình, cho gia đình mình, cho tổ chức mình, luôn luôn khen mình khinh người.
 
Nghĩa là trong cuộc sống hằng ngày, khi "sáu căn" của chúng ta tiếp xúc với "sáu trần", mà tâm niệm khởi lên thế này thế nọ, trong kinh sách gọi là "sáu thức", tức là phiền não bất an dấy lên vậy. Trong trường hợp như vậy, lục căn của chúng ta chính là lục tặc, tức là sáu tên giặc, đã, đang và sẽ dẫn dắt chúng ta vào sanh tử luân hồi, nhiều đời nhiều kiếp. Nói cách khác, sáu căn của chúng ta chính là cội gốc của sinh tử luân hồi. Người ta thường nói: tam bành (tham, sân, si) do lục tặc (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) gây ra, chính là nghĩa đó vậy.
 
Tuy nhiên, trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Ðức Phật có dạy: "Sáu căn chính là cội gốc của sanh tử luân hồi và sáu căn cũng chính là cội gốc của giải thoát niết bàn". Tại sao vậy? Bởi vì, nếu lục căn của chúng ta, tức là sáu giác quan, gồm có: nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân và ý, khi tiếp xúc với lục trần, tức là sáu trần cảnh bên ngoài gồm có: sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp, mà không đắm nhiễm, không dính mắc, không sanh lục thức, thì chúng ta đâu có bị phiền não, trong lòng đâu có nổi "tam bành". Tức là chúng ta không tham, không sân, không si, dù vẫn thường xuyên tiếp xúc với mọi người mọi cảnh trong cuộc đời. Giữ gìn được như vậy tức là chúng ta được giải thoát khỏi phiền não khổ đau, sống trong cảnh giới Niết bàn an lạc vậy.
 
Mắt trông thấy hình sắc thì biết rõ ràng người nào là người nào, món này là món này, nhưng không khởi niệm thương hay ghét, ưa hay không ưa. Tai nghe thấy tiếng thì biết rõ ràng là tán thán hay phê phán, nhưng không khởi niệm khoái chí hay bực bội. Mũi ngửi thấy mùi thì biết rõ ràng là mùi hương gì, nhưng không khởi niệm thích hay không thích. Lưỡi nếm vị thì biết rõ ràng là vị gì, nhưng không khởi niệm khen ngon hay chê dở. Thân xúc chạm thì biết rõ ràng là tốt hay xấu, nhưng không khởi niệm dễ chịu hay khó chịu. Tâm ý nghĩ suy thì biết rõ ràng là đúng hay sai, phải hay quấy, nhưng không khởi niệm kỳ thị, đố kỵ, so sánh, hơn thua, tranh chấp. Do đó, chúng ta đâu có bị kéo lôi, không có bị cột trói vào chuyện thương thương ghét ghét, chuyện đấu tranh tranh đấu, chuyện lặp đi lặp lại, chuyện nói tới nói lui, chuyện nói xuôi nói ngược, nghĩa là chúng ta đã thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi khổ đau đó vậy.
 
Thí dụ như mắt trông thấy lượng vàng, trông thấy kim cương hột xoàn, mà chúng ta không nổi lòng tham lam, ham thích, muốn sở hữu nó, thì đâu phải khổ công khó nhọc, đi làm đầu tắt mặt tối, để mua sắm nó. Còn nếu bản thân, vốn đã lười biếng, không chịu làm việc, mà lại tham lam, muốn có lượng vàng, muốn có hột xoàn, thì còn khổ hơn, gấp muôn bội phần! Không phải là chúng ta không cần tiền để sinh sống, nhưng cổ nhơn có dạy: "Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc. Tri nhàn tiện nhàn đãi nhàn hà thời nhàn". Nghĩa là người nào biết đủ thì lúc nào cũng thấy đủ và người nào biết nhàn thì lúc nào cũng thấy nhàn. Chỉ cần "biết" như vậy thì cuộc đời đã đủ quá rồi, đã nhàn quá rồi. Bằng như ngược lại, bao nhiêu mới gọi là đủ, chừng nào mới gọi là nhàn? Con người bận lo toan chuyện tranh danh đoạt lợi suốt cả cuộc đời, cho nên không bao giờ thấy đủ, chưa bao giờ thấy nhàn, chẳng kịp tỉnh thức thì đầu đã bạc trắng, thân đã mỏi mòn, không còn thời giờ để lo liệu sắm sửa hành trang, thì đã phải đi du lịch thế giới khác rồi!
 
Trong Kinh Di Giáo, Ðức Phật có dạy:
"Tri túc chi nhơn tuy ngọa địa thượng du vi an lạc. 
Bất tri túc giả thân xử thiên đàng diệc bất xứng ý".

Nghĩa là người biết thế nào là đủ, tuy nằm trên đất cũng lấy làm an lạc, vui sướng. Người không biết thế nào là đủ, dù thân có ở thiên đàng, tâm cũng vẫn không vừa ý! Chỉ cần "biết" như vậy thì cuộc đời an lạc và hạnh phúc hiện tiền! Bằng như ngược lại, dù có được cầu chúc tiêu diêu nơi miền cực lạc hay siêu thăng về cõi thiên đàng trên báo chí, cũng khó mà được lắm thay!
 
Thí dụ như tai nghe thấy tiếng khó nghe, mà tâm không chấp những lời vô nghĩa, thì chúng ta đâu có nổi lòng sân, và đâu có bị lôi vào vòng sanh tử luân hồi khổ đau. Trong kinh điển, Ðức Phật có dạy chúng ta là "y nghĩa bất y ngữ", tức là chỉ nghe theo những lời nói có nghĩa, mà không chấp những lời nói suông vô nghĩa. Nếu có người mắng chúng ta là đồ ngu, mà chúng ta nổi sân, cãi lại cho ra lẽ, thì quả là chúng ta ngu thật rồi, còn gì nói nữa. Nếu có người miệt thị chúng ta mất uy tín quá, mà chúng ta khiêm nhường chẳng thấy mình có uy tín gì để mà mất, thì bình yên quá! Những lời nói vô nghĩa như vậy khi đến nhĩ căn của chúng ta, tức là hai cái lỗ tai, cũng giống như gió thoảng mà thôi! Ðược như vậy, chúng ta sẽ sống cuộc đời an lạc và hạnh phúc, không nghi.

Bởi vậy, có một bài kệ như sau:
 
Mắt trông thấy sắc rồi thôi, (không dính)
Tai nghe thấy tiếng, nghe rồi thì không. (không mắc)
Trơ trơ lẵng lặng cõi lòng, (vô niệm)
Nhẹ nhàng ta bước khỏi vòng trầm luân. (giải thoát)

Ngược lại, cũng có bài kệ như sau:
Mắt thấy sắc, thấy rồi thì dính, (dính) 
Tai nghe tiếng, nghe rồi thì mắc. (mắc) 
Tam bành lục tặc trong lòng, (loạn tâm) 
Nặng nề ta lọt vào vòng tử sanh. (phiền não)
 
Có người đến hỏi một vị thiền sư: Làm sao để được giải thoát? Vị thiền sư đáp:"Lục căn tiếp xúc lục trần, không sanh lục thức là giải thoát"

Nghĩa là thường ngày, nếu chúng ta sống trong cõi đời này, sáu giác quan của chúng ta tiếp xúc với sáu đối tượng ở trần đời, mà không sanh tâm dính mắc, không sanh tâm loạn động vì tham sân si thì chúng ta sẽ được tự tại, giải thoát ngay hiện đời. Mắt trông thấy sắc, tai nghe thấy tiếng, mũi ngửi biết mùi, lưỡi nếm biết vị, nhưng mà đừng khởi niệm thương hay ghét, thích hay không thích, nếu như có khởi niệm rồi thì đừng theo. Như vậy chúng ta đâu có gì gọi là phiền não, sân hận hay bực dọc nữa. Từ xưa đến giờ, mỗi khi tâm khởi niệm, chúng ta liền theo đến cùng, theo từ chuyện đông sang chuyện tây, từ chuyện xưa đến chuyện nay, từ chuyện quốc gia đại sự đến chuyện hang cùng ngõ hẹp, từ chuyện xứ người đến chuyện xứ mình, từ chuyện người lớn đến chuyện trẻ con, từ đủ mọi thứ chuyện trên trần đời, để rồi than nhức đầu vì nhiều chuyện quá, than trời trách đất vì khổ thân khổ não quá!
 
Còn như sáu đứa bé luôn luôn chọc phá đức Di Lặc, mà Ngài vẫn tươi cười hoan hỷ như không có chuyện gì xảy ra. Nghĩa là "lục căn" của Ngài vẫn thường tiếp xúc với "lục trần", mà tâm của Ngài không sanh ra "lục thức", thì Ngài sống rất an nhiên, tự tại. Ðó là cảnh giới của những người "vô tâm", tức là những người không có tâm niệm lăng xăng lộn xộn, cho nên không có phiền não và khổ đau. Ðó là cảnh giới niết bàn ở ngay trong tâm trí của chúng ta hiện đời, chứ không phải đợi sau khi chết mới tiêu diêu nơi miền cực lạc, hay lên trên thiên đàng đâu đâu không tưởng. Ðạo Phật chủ yếu chỉ bày phương pháp rèn luyện tâm, chuyển hóa tâm, từ vô minh trở thành giác ngộ, từ tà vạy trở thành chân chính, từ phiền não và khổ đau trở thành an lạc và hạnh phúc. Ðạo Phật được áp dụng ngay trong thực tế của cuộc đời, trong mọi hoàn cảnh, giúp những người thiện tâm được sống bình an ngay tại thế gian này, chứ đạo Phật không phải chỉ lo cầu an cho người sống, cầu siêu cho người quá cố mà thôi. Hiểu được như vậy mới không phí phạm cả cuộc đời quí báu này!
Thiền sư Bá Trượng Hoài Hải có dạy: "Tâm cảnh không dính nhau là giải thoát". 

Nghĩa là chúng ta vẫn thấy, vẫn nghe, vẫn hiểu, vẫn biết tất cả các cảnh trên trần đời, trong kinh điển gọi là "kiến văn giác tri", nếu tâm của chúng ta không dính mắc thì không phiền não. Không phiền não tức là giải thoát. Thật là hết sức đơn giản. Lý lẽ tuy cao siêu, vi diệu, nhưng hết sức thực tế. Bất cứ ai cũng có thể làm được, không cần phải thờ lạy, cúng kiến, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc, ngôn ngữ, nghề nghiệp, xuất xứ, học thức, nam nữ, già trẻ, bé lớn, giàu nghèo, sang hèn.
* * * 
Tuy nhiên, nói như vậy thì hiểu như vậy, chứ còn thực hiện được cái chỗ "không dính", cái chỗ "không mắc", cái chữ "vô tâm", cái chữ "vô niệm", thì chúng ta cần phải có phương pháp tu để ứng dụng, để thực hành. Làm sao chúng ta có thể sống vui tươi, hạnh phúc suốt năm và cả đời như đức Di Lặc? Ðiều đầu tiên, chúng ta hãy can đảm nhận thấy rõ cuộc sống của chúng ta vui ít khổ nhiều, đừng tự dối mình gạt người, nhưng không bi quan yếm thế và cũng đừng sống trong phiền não, khổ đau bi thảm như trước đây nữa. Muốn được như vậy, chúng ta phải đảnh lễ Ngài với tất cả lòng thành kính và hướng tâm hồn học theo cái hạnh nguyện của Ngài, đặng tâm trí được an vui phơi phới, dù đang ở trong bất cứ cảnh ngộ nào cũng vậy. Ðức Di Lặc tu theo pháp môn nào mà được tự tại như vậy? Ðó chính nhờ Ngài tu bốn hạnh "từ, bi, hỷ, xả", trong kinh sách gọi là "tứ vô lượng tâm", tức là bốn tâm địa rộng lớn thênh thang, không thể nghĩ bàn.
 
Với tâm từ, Ngài luôn luôn mang niềm vui đến với mọi người, bất cứ lúc nào, không phân biệt gì cả. Với tâm bi, Ngài luôn luôn cứu giúp những người đau khổ, những người bất hạnh, thương người như thương chính mình. Với tâm hỷ, Ngài luôn luôn vui vẻ, hoan hỷ với những việc lành, những hạnh phúc, những thành tựu của tất cả mọi người xung quanh, không có tâm ganh ghét, đố kỵ, tị hiềm. Ngài luôn luôn nhớ câu: "Nam mô nhứt thiết chúng sanh hỷ kiến bồ tát". Nghĩa là Ngài luôn luôn noi gương những vị bồ tát mà tất cả mọi người đều hoan hỷ khi gặp mặt. Với tâm xả, Ngài không bao giờ chất chứa trong lòng, trong kho tàng tâm thức, bất cứ điều phiền muộn nào, dù nhỏ đến đâu. Trái lại, Ngài luôn luôn tha thứ cho bất cứ ai gây phiền muộn, rắc rối cho Ngài. Ðức Di Lặc không bị bất cứ phiền não nào tác động, cho nên thân tướng mập mạp khỏe mạnh, tâm trí thanh thản, thảnh thơi thơi thới, nét mặt lúc nào cũng hoan hỷ vui tươi. Nếu chúng ta muốn được an nhiên tự tại, muốn được hạnh phúc ngay hiện đời, chúng ta phải noi gương Ngài để tu bốn hạnh "từ, bi, hỷ, xả" vậy.
 
Nếu có tâm từ và tâm bi, chúng ta sẽ biết thương yêu và thông cảm với tất cả mọi người, dù kẻ đó đang gây phiền não cho mình, đồng thời chúng ta sẽ giảm bớt lòng tham và lòng sân. Thí dụ như chúng ta giúp đỡ bất cứ ai điều gì, hay chúng ta nuôi nấng con cái của mình, bởi do lòng từ bi, thì chúng ta sẽ không cầu báo đáp, không nhớ công lao, không kể lể ơn nghĩa, với mọi người hay ngay cả với con cái trong gia đình. Do đó, ai cũng hoan hỷ khi gặp mặt, không ai cảm thấy khó chịu, sau khi thọ ơn của chúng ta.
 
Chúng ta thường có lòng từ bi với những loài vật nhỏ nhít như ruồi muỗi côn trùng, hay lớn hơn như gà vịt heo bò. Chúng ta không nở giết hại chúng, không nở ăn thịt chúng. Nhưng đối với những con người sống chung quanh, như cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè, đồng nghiệp, đồng hương, đồng đạo, đồng bào, đôi khi chúng ta không nhịn nổi một câu nói chạm đến tự ái hay một hành động xúc phạm đến danh dự của mình, dù vô tình hay cố ý! Lòng từ bi như vậy đó cần phải được xét lại! Cũng vậy, chúng ta thường có lòng từ bi với người chưa quen hay với người ở phương xa, lâu lâu gặp một lần. Nhưng chúng ta khó có lòng từ bi với những người ở gần chung quanh, khi họ nói lời nào mích lòng mình, làm điều gì trái ý mình. 
 
Khi chúng ta thấy một người làm việc phước thiện, như cúng chùa hay tặng hội từ thiện một số tịnh tài chẳng hạn, nếu chúng ta phát tâm tùy hỷ, nghĩa là vui theo với việc thiện người khác làm được, thì chúng ta cũng được phước báu như người đó. Tại sao vậy? Bởi vì, trong kinh A Hàm, Ðức Phật có dạy: "Khi có người mồi ngọn đuốc được sáng rồi, nếu người khác đến mồi từ ngọn đuốc đó, thì ngọn đuốc sau cũng sáng như vậy, trong khi ngọn đuốc trước không giảm sáng chút nào". 

Cũng vậy, khi có người phát tâm làm việc phước thiện, thì tâm từ bi của người đó tăng trưởng, tâm tham lam bỏn sẻn của họ giảm bớt. Họ được phước báu, giảm bớt phiền não, lần lần tâm tánh của họ được thanh tịnh, cuộc sống của họ được an lạc hơn, hạnh phúc hơn. Nếu chúng ta phát tâm tùy hỷ, một trong tứ vô lượng tâm, vui theo với việc thiện của người khác, thì chúng ta giảm được tâm đố kỵ, ganh tị, tâm từ bi của chúng ta cũng tăng trưởng, và khi đủ duyên, chúng ta cũng sẽ làm việc thiện đó vậy.
 
Còn đối với tâm xả, đó là chỗ hết sức cao siêu của người tu hạnh giải thoát. Muốn được giải thoát, muốn được tự tại, nhẹ nhàng bước ra khỏi vòng trầm luân, sanh tử luân hồi, nhứt định chúng ta phải tu hạnh xả. Nếu lục căn của chúng ta tiếp xúc với lục trần, đừng dính đừng mắc, cái gì cũng xả, cái gì cũng bỏ qua hết, thì chúng ta không còn gì để đem vào chứa trong kho tàng tâm thức của chúng ta hết. Lúc đó, chúng ta sống trong tự tại nhẹ nhàng, thảnh thơi thơi thới, không lo âu phiền muộn, không ưu tư lo lắng, không thấp thỏm phập phồng.
 
Do tâm từ bi, chúng ta làm được biết bao nhiêu việc phước thiện không mệt mỏi, và do tâm hỷ xả chúng ta vui vẻ bỏ qua hết, quên hết tất cả những việc đã làm, quên hết tất cả những việc bất như ý. Trong tâm thức của chúng ta không có bốn tướng "ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả". Tức là chúng ta không thấy có mình là người làm phước, có kẻ khác là người nhận lãnh và không nhớ, không để tâm đến những việc tốt chúng ta đã làm, đã cho, đã giúp đỡ bao nhiêu người khác. Như vậy chúng ta sẽ không cầu được báo đáp, không kể lể, không đòi hỏi bất cứ ai nhớ ơn chúng ta, thì chúng ta không có phiền não chút nào cả, nếu gặp phải những người không biết chuyện ơn nghĩa. Sách có câu: "Thi ân bất cầu báo", chính là nghĩa đó vậy.
 
Chúng ta sở dĩ bị sanh tử luân hồi nhiều đời nhiều kiếp, bởi vì chúng ta dính mắc quá nhiều. Chúng ta chẳng những không biết buông xả, trái lại, còn chứa nhóm quá nhiều thứ trong tàng thức, trong kho tàng tâm thức của chúng ta. Hôm nay, nhân dịp năm cũ sắp hết, để chuẩn bị chào đón năm mới sắp sang, theo thông lệ, chúng ta thường lo sửa soạn trang hoàng nhà cửa, và đồng thời mở cửa nhà kho, dọn dẹp cho sạch sẽ, sắp xếp cho ngăn nắp. 

Cũng vậy, để có được một mùa "Xuân Di Lặc", mang ý nghĩa "Xuân Hoan Hỷ", "Xuân Hy Vọng", hay "Xuân Hạnh Phúc", chúng ta không thể quên việc chăm sóc, dọn dẹp, sửa sang cho thực sạch cái "kho tàng tâm thức" của chúng ta.
 
Lục căn của chúng ta cũng như các bộ phận của cái máy quay phim, hằng ngày thu nhận không biết bao nhiêu là hình sắc, âm thinh, rồi đem chứa vào trong kho tàng tâm thức. Thỉnh thoảng hay lâu lâu, thậm chí đến mấy chục năm sau, đến lúc tuổi già, mang ra chiếu lại, để cười chơi hoặc để tức giận, như thể chuyện mới xảy ra ngày hôm qua còn nóng hổi vậy. Mặc dù những diễn viên trong đó đã đi vào quá khứ từ lâu! Họ đã quên hết mọi chuyện, chỉ có chúng ta là còn nhớ quá kỹ, để lãnh đủ phiền não khổ đau. Nếu buông xả được, xóa được những cuốn băng trong kho tàng tâm thức, chúng ta sẽ trở nên con người vui tươi dễ chịu, lúc nào cũng hoan hỷ vui vẻ như đức Di Lặc vậy, nhứt thiết chúng sanh sẽ hoan hỷ kiến, không nghi.
 
Lúc đức Phật còn tại thế, có một người mang hai chậu bông đến cúng dường, với tâm mong cầu pháp môn tu giải thoát. Khi gặp mặt, Ðức Phật bảo buông, ông ta bèn buông tay trái, chậu bông rơi xuống đất. Ðức Phật lại bảo buông, ông ta bèn buông tay phải, chậu bông thứ hai rơi xuống đất. Ðức Phật lại bảo buông, ông ta bèn thưa: Bạch đức Thế Tôn, hai tay con đã buông hết rồi, đâu còn gì để buông nữa? Ðức Phật dạy: "Như Lai bảo ông buông lần thứ nhứt là bảo ông buông sáu căn, lần thứ hai là bảo ông buông sáu trần, lần thứ ba là bảo ông buông sáu thức. Khi căn, trần, thức không còn nhiễm trước, tức thập bát giới không thành lập, thì ông được giải thoát". Lục căn, lục trần và lục thức nói chung là thập bát giới. Thập bát giới không thành lập có nghĩa là: lục căn tiếp xúc với lục trần không sinh ra lục thức! Thực là đơn giản!
* * *
Tóm lại, chúng ta cần lưu ý là đức Thích Ca đã đi tìm đạo, đã tu tập, đã chứng đạo và đã thành Phật dưới cội cây bồ đề, ngay tại thế giới ta bà này, từ 26 thế kỷ trước, lịch sử đã ghi lại rõ ràng. Và sau này, đức Di Lặc cũng sẽ hạ sanh ở thế giới ta bà này, để tu hành và sẽ thành Phật dưới cội cây long hoa. Nghĩa là mười phương chư Phật đều thành Phật ở ngay tại thế giới ta bà này, chứ không phải ở thế giới nào khác.
 
Bởi vì ở các cõi thiên giới quá sung túc vật chất, chúng sanh ở đó ham vui, lo hưởng thụ quên tu, còn ở các cõi địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh thì quá khổ về vật chất lẫn tinh thần, nên cũng không tu được. Chỉ có ở thế giới ta bà này, con người có đủ thuận cảnh lẫn nghịch cảnh để tu hành, để thử thách và tiến đến chỗ giải thoát mà thôi. Chúng ta nên bình tâm xét lại những mộng tưởng về cõi Tây phương cực lạc, hay cõi thiên đường ở kiếp sau, để tích cực tu tâm dưỡng tánh ngay hiện đời, để khỏi uổng kiếp làm người trong muôn một. 
 
Chúng ta đã nghiên cứu và thấu hiểu một cách rất rõ ràng phương pháp tu giác ngộ và giải thoát, hay ít ra cũng đạt được an lạc và hạnh phúc hiện đời. Vậy chúng ta hãy bắt đầu cất bước lên đường làm hành giả kể từ mùa xuân năm nay là vừa. Ðược như vậy, chúng ta sống trên cõi đời này sẽ thấy nơi đây chính là cõi an lành tự tại, là một thế giới đầy tình thương yêu, đầm ấm. Thế gian này chính là cảnh giới của chư Phật, chư hiền thánh nhơn, chư thượng thiện nhơn, chứ không còn là cảnh giới của phàm phu tục tử nữa. Kính chúc quí vị được hưởng một mùa xuân Di Lặc, mùa xuân hy vọng, mùa xuân an lạc và hạnh phúc, mùa xuân miên viễn của tất cả chúng ta vậy. []

Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tu
cutranlacdao@yahoo.com



TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG S 30 
MỤC LỤC
1. Bộ Sách Cư Trần Lạc Đạo
2. Trang Mục Lục
3. Thư Ngỏ của Ban Biên Tập PHTQ
5.  Làm Sao Tu theo Phật
6. Thích-Thanh-Từ Lòng tin của con Phật
20. Chuyển ba nghiệp ác
21. Thích Chân Tuệ Bàn Về Thiện Và Ác
31. Nói hay không nói
32. Chuyện Tu Hành - Lễ Tưởng Niệm
33. Cách Ngồi Thiền
34. Con muốn được nhìn thấy kiếp trước
40. Dời đến đâu dơ đến đó
41. Chuyện Trong Đời Nancy Dang
45. Chùa chiền hành đạo phi chánh pháp
48. Tượng Phật Ngọc
51. Đầu Năm Đi Chùa Đúng Chánh Pháp
60. 61. TẾT NGUYÊN ĐÁN BÍNH THÌN 08.02.2016
62. Lời dặn dò cuối cùng của Đức Phật
67. Quán Thế Âm Bồ Tát thị hiện
72. Thích Nữ Chân Liễu Bồ Tát Ðại Thế Chí
75. Phật pháp tại thế gian
77. Ý Nghĩa Lễ Cầu Nguyện
80. Đạo Phật chủ trương chuyển hóa tâm
81. Thư Phật Tử Ngô Phúc Mississauga
84. Thế nào là một vị Chân Tu
88. Đó mới thực là Chân Tu
94. Tập San Từ Bi & Trí Tuệ
95. Chuyện Trong Đời Nancy Tran
98. Phật Tâm Phật Tướng
101. Đức tin mù quáng
103. Hũ tro cốt - giải thích 2 thắc mắc
109. Vị sư nào đáng kính hơn
111. Thích Nữ Chân Liễu Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn
119.120 Trang Tri Ân Ban Bảo Trợ
llllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll
  
THƯ NGỎ

Ban Biên-Tập Phật-Học Tịnh-Quang Canada
Kính thưa Quí vị độc giả,
Chư Tôn Đức Ban Biên Tập PHTQ trân trọng cảm niệm
công đức và phước đức
của Quí vị phát tâm bảo trợ và giới thiệu tập san.
Từ xưa đến nay, cứ mỗi dịp năm hết tết đến, nhà nhà nô nức đón xuân về, người người cầu nguyện năm mới gặp được nhiều điều tốt đẹp hơn. Đó là nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc, tín ngưỡng dân gian phổ biến.

Tuy nhiên, đối với người tu học theo Phật, mỗi dịp năm mới đến, hành giả cần nên quán chiếu, tuệ giác đã sáng tỏ được bao nhiêu rồi, sau bao nhiêu năm sống trong u mê theo nếp sinh hoạt xã hội và theo sự hướng dẫn sai lầm của chư tăng trong chùa chiền, cứ chạy theo danh lợi qua các hình thức cúng kiến mê tín, nghi lễ phức tạp. Con người quên đi cốt tủy đạo Phật là đạt được đời sống hiện tại an lạc hạnh phúc. Mục đích cứu cánh của đạo Phật là tu tâm dưỡng tánh để giác ngộ và giải thoát.
Để hiểu rõ cốt tủy và mục đích cứu cánh của đạo Phật con người nhất thiết phải nắm vững các lời dạy của đức Phật qua giáo lý căn bản:
1. cuộc đời khổ nhiều hơn vui
2. sự sự vật vật luôn luôn biến đổi không ngừng qua các bước
sinh trụ dị diệt hay sinh lão bệnh tử

3. vô ngã chính là niết bàn ngay tại thế gian.
Để thực hành lời dạy của đức Phật, con người theo nhiều tông phái khác nhau
tùy theo căn cơ, hoàn cảnh hay sở thích.
Để hướng dẫn các khóa lễ, khóa tu đông người, dưới hình thức tôn giáo, chùa chiền
cần phải xử dụng các pháp khí như chuông mõ kinh kệ, các nghi thức như tụng kinh,
niệm Phật, trì chú, tọa thiền, kinh hành, thiền hành, bát quan trai, sám hối.
Tuy nhiên các chùa chiền lợi dụng tín tâm bá tánh tạo ra sự linh thiêng huyền bí qua các lễ hội quán âm, cung nghinh phật ngọc, trai đàn bạt độ, chẩn tế cô hồn, vớt vong trên biển như vớt bèo. Đó là các tà pháp xâm nhập thiền môn, không có trong kinh sách.
Con người có quyền tự do lựa chọn tín ngưỡng hay tôn giáo thích hợp. 
Bản chất con người có tâm tốt hiền lương.

Tuy nhiên, cuộc sống bon chen, đấu tranh đầy bất trắc, bất như ý, và danh lợi dẫn dắt đến chỗ sai lầm. Con người bị dụ dẫn bởi các hình thức mê tín phi chánh pháp ứng hợp với tâm tham sân si, nhưng xa rời chánh pháp.
Các hình thức cúng kiến, lễ nghi trong các chùa xưa nay đều do con người bày đặt ra, không có gì gọi là linh thiêng huyền bí.
Các tôn tượng, kinh sách hay các ngôi chùa, cũng chỉ là phương tiện truyền bá đạo pháp, không có gì gọi là linh thiêng huyền bí.
Ngay cả chư vị tu sĩ cũng chỉ là con người tu hành, giúp đỡ bá tánh cùng tu theo lời Phật dạy. Tu sĩ và bá tánh cùng  mê tín, không học hiểu không thực hành lời Phật dạy,
nên cả hai cùng sai lạc.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn xưa nay, đâu là lời Phật dạy, đâu là kinh điển thật.
Tóm lại, bá tánh muốn tu theo Phật, phải ngộ đạo và tránh xa các chùa, các nhà sư tổ chức hành hương, văn nghệ, cơm chay gây quỹ, các loại lễ hội, pháp hội phi chánh pháp, ồn ào, lóc cóc leng cheng lùng tùng xèng.[]

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Ban Biên-Tập PHTQ. CANADA
  Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ



Đức Phật dạy: “Tin Ta mà không hiểu Ta là phỉ báng Ta”. Việc xem Đức Phật như một vị thần chuyên ban ơn, giáng họa; coi chùa chiền như một địa điểm cầu xin phước lộc vui chơi, đang làm cho đạo Phật trở nên xa lạ với tinh thần thanh tịnh, tu tâm dưỡng tánh do chính Đức Phật đã chứng ngộ chỉ dạy để thoát ra khỏi lục đạo luân hồi . Thiết nghĩ, chư vị Tăng Ni, Phật tử hãy cùng chung tay, góp sức trả lại giá trị đích thực cho ngôi chùa, trả lại sự tôn kính cho Đức Phật mà bao đời nay người con Phật ta hằng kính ngưỡng, vâng làm .

Chúng sanh lăn lộn đầu thai trong lục đạo sanh tử luân hồi do nhiều căn bịnh từ vô minh ngàn kiếp, gồm: tham ái, dục vọng, chấp thủ, đoạn kiến, thường kiến, ngã mạn. Sự chân thật của Thật Tánh là người tu theo con đường Đức Phật dạy, đạt được tâm thanh tịnh, đầy đủ trí tuệ, có thể chuyển phàm phu trở thành thánh nhân hay bồ tát. 

Đức Phật Thích Ca chứng đắc tam minh: Thiên nhãn minh, Túc mạng minh, Lậu tận minh. Mắt trí tuệ của Ngài thấy được tam thiên đại thiên thế giới, thấy nhân quả trong nhiều đời nhiều kiếp, phá vô minh phiền não chấp ngã chấp pháp không còn sanh tử, ra khỏi lục đạo luân hồi. Lục đạo là sáu cảnh giới luân hồi mà con người phải đầu thai chuyển kiếp, nếu chưa sạch hết nghiệp chướng, gồm: thiên, nhơn, a tu la, địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh.

Cõi Thiên: Sanh về cõi thiên, nơi cực lạc thế gian, hưởng phước báo thiện căn nhiều đời, được giàu sang, đủ ăn đủ mặc, có người hầu hạ, nhà cao cửa rộng, an lạc hạnh phúc.

Cõi Nhơn: Sanh vào cõi người, giàu có nghèo có, ưa thích làm việc phước thiện, cũng có khi tạo nghiệp bất thiện, hưởng phước báo và cũng chịu quả báo đau khổ, sanh, lão, bịnh tử.

Cõi A Tu La: Sanh vào nhà quyền quí, hưởng phước tốt của gia đình, có danh tiếng, có tiền của, tánh tình nóng nảy và kiêu mạn, thích bạo động, có trí thức đời và thông minh, không khéo dễ tạo nghiệp ác.

Cõi Địa Ngục: Sanh vào cõi đau khổ, vì nghiệp ác hại người sâu nặng, bị hành hạ tra tấn ngày đêm, sống không được chết không xong, đau khổ vô cùng.

Cõi Ngạ Quỉ: Sanh vào nơi bất tịnh, vì nghiệp bỏn sẻn, thường bị hãm hại, không chỗ dung thân, luôn đói khát, không có sức tự kiếm ăn, sống nhờ vào lòng tốt của mọi người.

Cõi Súc Sanh: Sanh vào nơi cầm thú, vì nghiệp sát quá nặng mà đọa vào cõi nầy, lúc nào cũng sợ bị giết, sống nơi ẩm thấp rừng sâu nước độc, mang lông đội sừng suốt kiếp.

Phật dạy: Rời xa kiến chấp, an lạc niết bàn, hàng phục ma chướng, chứng đắc trí tuệ sáng suốt, thoát ra khỏi lục đạo luân hồi, vượt khỏi giả danh, không còn chỗ thọ của bản ngã, không bị ràng buộc các pháp ác của tà ma ngoại đạo. Đó là chỗ nhận biết của người trí tuệ và là chỗ cư trú các bậc thánh, các bồ tát, các bậc giác ngộ.
(Kinh Duy Ma Cật)


MÃN GIÁC THIỀN SƯ


Đường về khép bóng trần gian
Lợi danh gói một hành trang vô thường
Ngoảnh nhìn cuộc đời như giấc mộng
Được mất bại thành bỗng chốc hóa hư không

Phú quý vinh hoa như mộng ảo
Sắc tài danh lợi tựa phù du
Tất bật hơn thua rồi cũng bỏ
Thong dong tự tại vậy mà vui

Đêm qua mộng lại thật gần
Đừng lay tôi nhé hồng trần mong manh
Ta về giữ mộng trinh nguyên
Bờ hun hút lạnh nắng xuyên hình hài

Khi tóc bạc trên đầu trôi dạt mãi
Cội nguồn ơi chiếc lá lại rơi về
Thân như bóng chớp chiều tà
Cỏ cây hoa lá xuân qua rụng rời

Sá chi suy thịnh cuộc đời
Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành
Ta cứ tưởng trần gian là cõi thật
Thế cho nên tất bật đến bây giờ


XUÂN BÌNH YÊN
TKN THÍCH NỮ CHÂN LIỄU



Trong thời tiết của năm mới, trên mảnh đất an bình hiền hòa Gia Nã Đại, khi nhắc đến Tết Việt nơi xứ người thì không khí lạnh cũng trở thành niềm vui và ấm áp. Hạnh phúc đến với những điều mới mẻ, cuộc sống tiến bộ lạc quan, tâm hồn người con Phật thì luôn cầu mong thế giới thanh bình thịnh vượng. Một ngày đi qua, một tháng cũ hết, một năm lặng lẽ trôi, một đời người, một con đường, một chân lý sống, suy tư cho cùng tận sự vô thường biến đổi ngay trước mắt. Đời người không là mãi mãi sống trăm năm, không một ai thoát khỏi luật vô thường. Cần thấy rõ được niềm hạnh phúc những vinh quang hiện tại; hoặc thăng trầm, vinh nhục ở trong quá khứ; hay sự bất hạnh thất bại bất như ý sẽ xảy ra ở tương lai. Tất cả đều là vô thường. Chỉ có giác ngộ tìm cho được sự thường không bao giờ thay đổi, khi đó con người không còn sợ bị vô thường chi phối nữa.

Phật pháp không là của riêng ai, những điều chân chánh đã có sẵn trong chốn dân gian. Nhân quả và vô thường là sự thật trong vũ trụ. Khi con người còn tham lam danh vọng, sân hận chất chứa, si mê điều lợi, bất chấp thủ đoạn, hại người lợi mình, thì không có trí tuệ. Khi không hiểu được giá trị của Phật Pháp, không áp dụng nhân cách đáng trân trọng và tâm từ bi trong cuộc sống, thì chiến tranh xảy ra, hơn thua tranh danh đoạt lợi, đau khổ ly tán. Sự vô cảm và tàn bạo khiến con người càng lúc càng xa rời đạo đức.  

Nhân quả và vô thường làm cho chúng sanh rơi vào vòng xoáy của luân hồi sanh tử, nhiều kiếp chịu đau khổ trong lục đạo: thiên, nhơn, atula, địa ngục, ngạ quỉ và súc sanh. Phật là bậc Thầy khai ngộ và chỉ dạy cho chúng sanh thức tỉnh, dùng trí tuệ để nhận biết rõ ràng ai ai cũng có Phật tánh bình đẳng và sáng suốt. Ai cũng có thể qui y Phật để trở về con đường chân chánh và thanh tịnh. Trong Kinh Nhật Tụng Chư Tổ dạy rằng:

Phật chúng sanh tánh thường rỗng lặng
Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn
Lưới đế châu ví đạo tràng
Mười phương Phật bảo hào quang sáng ngời
Trước bảo tọa thân con ảnh hiện
Cúi đầu xin thệ nguyện qui y

Phật chúng sanh tánh thường rỗng lặng. Bản tánh rỗng lặng như nhau có nguồn gốc từ quá khứ sâu xa, là chốn an bình tịch lạc, không có tranh chấp, không có đau khổ. Phật là từ chúng sanh giác ngộ mà chứng quả. Phật cũng từ phiền não mà chứng bồ đề.

Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn. Sự suy tư của tâm thanh tịnh không thể nghĩ bàn. Đạo là con đường mà hành giả chân chánh không bị danh lợi cám dỗ, trạng thái tâm lặng lẽ không dính mắc, không chống trái với nhau. Nhân cách của các vị thiện hữu tri thức cảm thông nhau, cho dù thuận hạnh nghịch hạnh vẫn có thể hoằng pháp ở mọi hoàn cảnh, mà không đánh mất giá trị của đạo hạnh. Đây là việc bất khả tư nghì của những bậc bồ tát có đủ từ bi và trí tuệ.

Lưới đế châu ví đạo tràng. Ngài Thần Tú ví tâm như gương lấm bụi phải lau chùi hằng ngày, Ngài Huệ Năng ví tâm xưa nay không phải là một vật, nên chẳng có gì phải lau chùi. Trong đời sống tùy quan niệm và hoàn cảnh, người tu đừng chấp, đừng phân biệt giai cấp, hay đòi hỏi nhiều, thì ở đâu cũng là đạo tràng. Lời dạy của chư Phật chư tổ cũng là phương tiện để tu học, pháp môn nào cũng là kiến thức từ bên ngoài cần cho việc tu học mà thôi, đừng rơi vào sự sai lầm của bản ngã, gây chướng ngại cho con đường giải thoát. Quan trọng nhất là chánh kiến và chánh tín, tránh khỏi mê lầm, tìm được chân lý thật sự đưa con người đến hạnh phúc, đó mới là cứu cánh và vô cùng trân quí hơn cả trân châu bảo ngọc.

Mười phương chư Phật hào quang sáng ngời. Phước đức giúp người tu dễ vượt qua khó khăn của ma chướng, như người khách bộ hành phải đi qua những đoạn đường gian nan đầy vực sâu và thử thách. Khi có được những gì mong cầu, người tu đi đến đâu làm việc gì cũng chỉ nghĩ lợi ích chúng sanh. Tánh giác có sẳn nhưng vì nghiệp thiện ác ở sáu cõi làm cho chúng ta quên đường về. Từ vô thủy chúng sanh đã là Phật, tự tánh vốn thanh tịnh luôn luôn hiện hữu. Khi ánh sáng trí tuệ như ngọn đèn được thắp sáng, bóng tối vô minh từ bao đời kiếp tự tan biến mất. Hiểu được và hành được Phật Pháp bằng thân giáo và khẩu giáo là công đức phước đức, lợi lạc cho mình và cho những người hữu duyên, thì hào quang cũng không khác gì chư Phật mười phương.

Trước bảo tọa thân con ảnh hiện. Công phu “phản quan tự kỷ” chánh niệm tỉnh giác, chiếu kiến từng hành động thuộc về thân khẩu ý. Đức Phật ví tâm con người như mặt biển và ngọn sóng, khi sóng yên biển lặng thì thấy được sóng và nước là một. Sóng lặng là định, là tuệ, là an bình. Sóng dậy là loạn, là mê, là phiền não. Mặt biển lúc nổi sóng và mặt biển lúc thanh bình, tuy trạng thái hoàn toàn khác nhau, nhưng không phải là hai biển. Cũng vậy, tâm con người lúc bình tĩnh thản nhiên và lúc nổi cơn tức giận, không hai, nhưng cũng không phải một. Tuy hai mà một, tuy một mà hai, chính là nghĩa đó vậy. Trước tình thương bao la bình đẳng của Phật tâm, con người rồi sẽ nhận ra thật tướng của cái ta, tốt xấu như thế nào. Chư Tổ các ngài giúp môn đệ nắm vững đường lối tu hành và định hướng cho biết Phật tại tâm, tâm là Phật. Phật và chúng sanh chỉ là ngôn từ để xử dụng, chứng đắc, hay ngộ nghĩa lý là do ở nơi mỗi người.

Cuối đầu xin thệ nguyện qui y. Khi người tu đạt được trạng thái vắng lặng thấy được lẽ thật, bừng tỉnh, giác ngộ sinh tử, mong muốn quay về với chốn an bình tịnh lạc đó mới thật sự là “qui y”. Nhưng đâu là ranh giới của đau khổ và hạnh phúc, si mê và giác ngộ. Tu nghĩa là “dừng”, không mang mặc cảm phước mỏng nghiệp dày, không tự mãn với những gì có được, mới thấy đời tu có ý nghĩa và an lạc. Khi liễu ngộ là đã nhận biết được đường hướng và mục đích cuối cùng một cách rõ ràng, hãy vững niềm tin mà tiến bước bằng nghị lực và ý chí không thối chuyển.

Các Thiền sư có câu: “Thủy lưu qui đại hải. Nguyệt lạc bất ly thiên”. Nước dù chảy đi đâu, cuối cùng cũng về biển cả. Trăng lặn ở đâu, cũng không ra khỏi bầu trời. Xuân đi xuân đến, mãi mãi vẫn là xuân. Mùa xuân bình yên với người tu đạt từ bi và trí tuệ. []

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
TKN Thích Nữ Chân Liễu




Sống Đời Vui Đạo
(Sống trong tương đối - Vui với tuyệt đối)

Thương ghét, phải quấy, đẹp xấu, đúng sai, hơn thua, chính là vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, vọng niệm. Ðó chính thực là con trâu, mà người tu theo Phật phải chăn phải dắt, phải kềm phải chế, phải điều phải khiển, phải thuần phải phục, thúc liễm luôn luôn. Chăn trâu thành công thì Tánh Giác hiển lộ. Ðiều quan trọng là: "Con người hãy chăn dắt con trâu, chớ để con trâu dẫn dắt con người! Nếu để con trâu dẫn dắt, không biết con người sẽ đi về đâu?". Cho nên mới có pháp tu gọi là "Pháp Môn Chăn Trâu", chính là nghĩa đó vậy.

Chăn trâu nghĩa là: áp dụng Chánh Pháp, vào trong cuộc sống, của mình hằng ngày, dẹp trừ vọng tâm, vọng tưởng vọng thức, vọng niệm liên miên, chuyển hóa ba nghiệp, thân khẩu ý mình, bất lương bất thiện, thành ra ba nghiệp, hoàn toàn thanh tịnh. Chăn trâu nghĩa là: không theo sức mạnh, sức kéo sức lôi, của tâm tham lam, sân hận si mê.

Ðây mới chính là ý nghĩa thiết yếu của việc tu tâm dưỡng tánh theo đạo Phật: Trong tâm khởi niệm, nếu giác kịp thời, liền biết không theo, đó là Chơn Tâm. Trong tâm khởi niệm, nếu còn mê muội, không giác kịp thời, liền theo niệm đó, trở thành vọng tâm. Cũng ví như là: Khi có gió thổi, mặt biển nổi sóng, gọi là biển động. Mặc dù có gió thổi, mặt biển vẫn bình yên, đó là biển thái bình, ví như bản tâm thanh tịnh. Tu theo đạo Phật, không phải chỉ có: cúng kiến lễ lạy, van xin cầu nguyện, không còn gì khác!


Nếu con người biết sẵn sàng tha thứ cho người khác, cũng như đã từng nhiều lần trong đời, tha thứ cho chính bản thân mình, thì cảnh giới thiên đàng niết bàn cực lạc chính là đây, ngay trên thế gian này!


Sinh sự thì sự sinh. Nhân nào thì quả nấy. Gieo gió thì gặt bão. Có lửa thì có khói. Cầu nguyện khấn vái chỉ đem lại sự bình an tâm hồn tạm thời mà thôi. Bình an thực sự chỉ có cho người thiện tâm. Thiên đàng hay địa ngục, tuy là hai tâm trạng khác nhau, nhưng tất cả thực sự chỉ là các trạng thái ở trong thâm tâm của tất cả chúng ta. Cũng ví như biển động hay biển lặng, tuy khác nhau, nhưng đều là hai trạng thái của biển mà thôi vậy.

Cảnh giới tịch diệt an lạc đó không dành riêng cho bất cứ ai, không thuộc bất cứ tôn giáo nào, không thuộc bất cứ sắc dân nào, không thuộc bất cứ thời đại nào. Bất cứ ai dẹp được một phần các tâm niệm sanh diệt, thì người đó sống được một phần trong cảnh giới an lạc tịch diệt.

Cư-sĩ Chính-Trực




THƯA HỎI PHẬT PHÁP VP.PHTQ.CANADA

 
Kính Thầy, 
Về giáo lý  thì Nguyên Thủy và Đại thừa giống nhau. Nhưng về đức tin thì khác nhau rất nhiều.
Nguyên Thủy, Theravada chỉ tin và thờ Phật Thích Ca mà thôi.
Đại thừa, Mahayana thì tin và thờ phượng Phật A Di Đà, Phật Dược Sư, Bồ tát Quan Thế Âm, Bồ tát Đại Thế Chí, Bồ tát Điạ Tạng Vương ... vân vân ...
Đó là điều mà con phân vân là không biết phải tu học theo môn phái nào???
Xin thầy chỉ dạy.

Con Phật tử: Tịnh Nhơn


Kính quí ĐH

VP.PHTQ.CANADA chủ trương: điều gì tôn giáo này chấp nhận,
nhưng các tôn giáo khác không chấp nhận,
đều chưa phải là chân lý - nếu không muốn nói là mê tín.
Ngay trong đạo Phật cũng vậy,
điều nào tông phái này tin tưởng, nhưng các tông phái khác không tin tưởng,
đều chưa phải là chánh pháp -
nếu không muốn nói là điều đó do người đời sau thêm thắt, đặt ra,
cho hợp với quyền lợi của địa phương, của giai cấp mà thôi.

Nếu con người bỏ được tâm cố chấp cho rằng tôn giáo mình (hay tông phái mình)

đang theo là cao nhất, hay nhất, đúng nhất, đứng nhất,

thì con người sẽ tự giải thoát khỏi cái vỏ mê tín ngàn năm của các tôn giáo.

Con người can đảm như vậy - dù tại gia hay xuất gia, dù tín đồ hay giáo phẩm,
dù đang mang hình thức bất cứ tôn giáo nào -
sẽ sống đời an nhiên tự tại, sống hạnh phúc, chết bình an, khỏi cầu cũng siêu.
Trái lại có cầu, cũng tiêu, cũng đọa lạc. Đó là chí công vô tư. Đó là chân lý. []
Như vậy qúi ĐH chỉ cần thực hành giáo lý Nguyên Thủy là đủ tu chứng, trí tuệ khai mở.
Bên Bắc tông thường dùng các hình ảnh Bồ Tát 
để khuyến khích hành giả dấn thân làm Phật sự, tu bồ tát hạnh - hành bồ tát đạo: 
tự độ và độ tha,
đem đạo vào đời, giúp đời hiểu đạo, để bớt phiền não khổ đau,
được an lạc và hạnh phúc hiện tại.
Mỗi hình ảnh của một vị Bồ Tát đều là biểu tượng, đều ngụ ý giáo lý sâu xa, thâm diệu,
chỉ dạy đường lối, phương pháp tu hành, diễn tả điều kiện tu chứng.

Thí dụ: BT Văn Thù tượng trưng Trí Tuệ. BT Phổ Hiền tượng trưng Từ Bi.
Tôn tượng hai vị BT này được tôn trí ở hai bên tôn tượng đức Phật Thích Ca - bậc giác ngộ hoàn toàn (toàn giác).
 
Cách thờ phượng như vậy ngụ ý: Từ Bi + Trí Tuệ = PHẬT. 
Nói cách khác, muốn đạt quả vị Phật (vô thượng chánh đẳng chánh giác), 
hành giả phải toàn vẹn Từ Bi + Trí Tuệ, 
chứ không phải chỉ niệm 10 câu là xong chuyện. Hiểu đơn giản quá như vậy, hành qua loa quá như vậy tức là phỉ báng, theo tà ma, theo sư giả hay giả sư, 
sư ngu dốt hung tợn lười biếng gạt gẫm, 
chứ không phải tu theo Phật - dù tại gia hay xuất gia.

Người đời - tại gia cũng như xuất gia - chỉ chấp hình tướng (thích tụng kiểu ê a, ê a, lắc lư, lắc lư, lóc cóc leng cheng, lùng tùng, lèng xèng, như phường hát dạo) rồi sanh ra mê tín cực đoan, không chịu tìm hiểu giáo lý, không hiểu nổi thâm ý của chư vị Tổ sư, nhất là không thực tâm tu hành, chỉ ham lo danh và lợi, gạt gẫm hốt tiền đếm bạc, bán nước chai hay cát mạnđàla có gia trì thần chú với giá tùy hỷ, tổ chức văn nghệ gây quỹ quanh năm này sang năm kế - chỉ tu tướng không tu tâm - dù cho người đó cạo tóc từ nhỏ, vào ở thường trực, thường trú trong chùa 80, 90, 100 năm, hay hơn nữa cũng mù mờ, mê tín và thường dẫn đến cuồng tín, thô bạo, tâm địa càng ngày càng nham hiểm, tàn nhẫn, độc ác, hung hăng khó tưởng tượng nổi. Loại này nhiều lắm trong các cửa chùa, không hiếm thấy, nhưng khó nhận ra, nếu đi chùa mê tín.



Kính quí ĐH,

Hai anh võ sĩ theo 2 môn phái võ khác nhau, thường hay đố k, chê bai, chỉ trích,
thậm chí thách đấu nhau, tranh hơn thua.
Đối với các bậc cao thủ trong võ học, đạt được tuyệt đỉnh công phu, các vị kính trọng nhau,
bởi họ đều nhận ra, tiếp thụ được tinh hoa của võ học.

Cũng vậy, sự kỳ thị của 2 phe Bắc tông và Nam tông gây sự hiểu lầm cho nhiều giới.
Phe nào cũng nói kinh điển của mình mới đúng, bởi sự tuyên truyền của các học giả.
Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kinh điển của cả hai, hành giả sẽ nhận được cốt tủy không khác,
chỉ khác cách diễn tả và trình bày mà thôi, đều do người đời sau thời đức Phật ghi chép lại.

Chúng ta học Phật để tu tập, để áp dụng vào đời sống hàng ngày, cho nên,
nếu kinh điển của bên nào thích hợp với hoàn cảnh, sở thích và căn cơ của mình,
thì mình thực hành theo. Tuyệt đối không nên có tư tưởng bài xích như quí ĐH trình bày.
Tại sao?  
Đạo Phật chủ trương: người nào cũng có Phật tánh bình đẳng.
Cho nên, đối với các vị cao tăng đắc đạo, lời nói không khác lời Phật dạy.
Chúng ta nên y pháp, chớ nên y nhân, nghĩa là chẳng nên u mê tôn thờ thần tượng.

Vấn đề còn lại là của người tu, làm sao nhận ra đâu là kinh thật, đâu là kinh giả.
Muốn đạt tới trình độ đó, hành giả phải văn, tư, tu, thực hành công phu thực sự,
để chứng đạo, ngộ đạo. Từ đó mọi thắc mắc đã có giải đáp do chính mình,
chứ không phải chỉ là học giả nghiên cứu cho biết mà thôi.
Học giả và hành giả khác nhau là như vậy.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính thư,

Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ




Kính mời tham khảo thêm theo links:
TU MÀ KHÔNG HỌC LÀ TU MÙ
TẬP SAN TỪ BI TRÍ TUỆ SỐ 30 (DỌN KHO ĂN TẾT)
GIÁC NGỘ VÀ GIẢI THOÁT – TÔN GIÁO LÀ MÊ TÍN
MƯỜI ĐIỀU TÂM NIỆM
ĂN TẾT ĂN CHAY HAY ĂN MẶN
NĂM NGƯỜI MÙ RỜ VOI
 
NĂM tròn xin tiễn tiết đông qua
MỚI đón xuân tươi đến mọi nhà
CHÚC tặng trên đời thêm chữ Hỷ
MỪNG vui khắp chốn cất lời ca