TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG: TỪ SỐ 1 (2006) - ĐẾN SỐ 30 (2016)

Tuesday 3 April 2012

***GỐC RỄ CỦA AN LẠC


Thích Tâm Bình

"Nếu một người tu tập tịnh độ, tâm của họ thiếu chất liệu của Từ, Bi, Hỷ, Xả thì cảnh giới tịnh độ của họ là cảnh giới của đất cát khô cằn hay là những nghĩa địa u buồn mất trắng cả linh hồn." 


Ta muốn có hạnh phúc và an lạc, ta phải biết thực tập và nuôi dưỡng đời sống của Từ, Bi, Hỷ, Xả. Trong đời sống của ta có Từ, Bi, Hỷ, Xả là ta có nội dung của hạnh phúc và an lạc.

-Từ  là không sợ hãi khổ đau mà phải biết ôm ấp nỗi đau của ta và của người để chăm sóc, khiến cho chúng không có loang lỗ ra trong tâm thức ta và trong đời sống của ta. Ta phải chăm sóc nỗi đau của ta và của người, bằng tất cả trái tim hiểu biết và thương yêu của ta một cách chân tình. Ta chăm sóc những nỗi đau như vậy mỗi ngày qua bước đi, hơi thở, nụ cười và cách nhìn mọi sự hiện hữu, hay cách nghe mọi âm thanh trần thế, chắc chắn những nỗi đau của ta hay những nỗi đau của người sẽ trở nên lành lặn.

-Bi  là không tránh né khổ đau mà chạm trán với khổ đau bằng con mắt trầm tĩnh, bằng một trái tim nhiệt tình, bằng cái nhìn thấy sâu lắng và chính xác đối với những tập khởi khổ đau và với đôi bàn tay nhẹ nhàng mà cương quyết trong hành động để đào xới và bứng tận gốc rễ của chúng. Nên, Bi là chất liệu giúp ta và mọi người vượt thoát mọi gốc rễ của khổ đau. Bởi vậy, Bi là chất liệu đánh bạt mọi nguyên nhân gây khổ, thiết lập và tái tạo tâm thức bình an cho ta và cho tất cả mọi người. Trong tâm hồn ta, thiếu chất liệu của Bi, thì mọi hạnh phúc đến với ta chỉ là những hạnh phúc hư ảo, chỉ là những hạnh phúc có đó mà không đó.

-Hỷ  là không đàn áp những người có khả năng yếu kém so với ta và không kỳ thị hay khiếp đảm đối với những người có khả năng vượt trội hơn ta. Hỷ là chất liệu loại trừ những hạt giống mặc cảm tự ty và tự tôn nơi ta, khiến cho ta có khả năng tùy thuận đối với những gì tốt đẹp và hạnh phúc xảy ra từ người khác.

Ganh tỵ là một trong những chất liệu làm vẩn đục tâm ta, khiến cho đời sống của ta trở nên chật hẹp và khó khăn, nên Hỷ là chất liệu xóa sạch những vết bẩn của ganh tỵ đang hiện hành nơi tâm ta, khiến tâm ta hoạt động trong sự tương vui, rộng lớn và trong sáng. Nên, Hỷ là chất liệu giúp ta vượt thoát gốc rễ của khổ đau, và khiến ta có khả năng động viên, phát huy những điều tốt đẹp từ người khác.

Trong tâm hồn ta thiếu chất liệu của Hỷ, ta không thể có chất liệu đồng cảm chân thực đối với người, ta không có khả năng thân cận với một người tốt để học hỏi và ta không có khả năng làm thay đổi những người kém may mắn hơn ta. Nên, trong tâm ta thiếu chất liệu của Hỷ, ta là người sống trong cô độc và chết trong cô đơn, ta đẩy hạnh phúc đi về phía chân trời xa lạ.

-Xả  là tích cực hành động theo Từ, theo Bi, theo Hỷ mà không có thủ lợi. Chất liệu của Xả giúp ta vượt thoát mọi hoạt động có cơ tâm, của thất vọng, hận thù và oán trách, đem lại sự an toàn cho tâm hồn ta và cho những người mà ta thương yêu.

Trong tâm hồn ta, thiếu chất liệu của Xả, chúng sẽ tạo ra trăm mối ngổn ngang cho đời sống của ta, nên ta bị quá khứ lôi kéo, khiến ta hoàn toàn không có tự do với quá khứ; ta bị tương lai cuốn hút, khiến ta không có tự do với tương lai và ta bị hiện tại cột chặt, khiến ta bị mất chủ quyền đối với hiện tại, và nếu trong tâm hồn của ta thiếu chất liệu của Xả, thì ta ở nơi đây là ta bị cột chặt ở đây; ta ở nơi kia là ta bị cột chặt ở nơi kia và ta tiếp xúc với bất cứ cái gì, thì ta sẽ bị cái đó trói buộc ta, khiến ta không có tự do đối với mọi thời gian, đối với mọi không gian và đối với mọi sự hiện hữu. Nên, Xả là chất liệu giúp ta có giải thoát và tự do ngay trong mọi hành động của ta.

Tâm Xả của ta càng lớn, thì sự tự do của ta càng nhiều, và tâm Xả của ta vô lượng, thì hạnh phúc của ta là vô cùng và tình yêu của ta trở thành vô tận.

Bởi vậy, trong đời sống của ta mà thiếu chất liệu của Xả, thì ta làm bất cứ cái gì, ta sẽ bị cái đó trói buộc, ta sẽ bị khổ đau và thất vọng bởi cái đó.Thiếu chất liệu của Xả, không những khiến cho đời sống của ta bị chết ngột bởi tài sản, bởi nhận thức mà còn khiến cho ta bị chết ngột bởi tình cảm. Nếu một người tu tập tịnh độ, tâm của họ thiếu chất liệu của Từ, Bi, Hỷ, Xả thì cảnh giới tịnh độ của họ là cảnh giới của đất cát khô cằn hay là những nghĩa địa u buồn mất trắng cả linh hồn.

Nếu một người tu tập thiền, mà tâm của họ thiếu chất liệu của Từ, Bi, Hỷ, Xả thì cảnh giới của họ chỉ là những núi đá đứng trống trơ sừng sững và chai lỳ, hoàn toàn mất hết mọi cảm giác và tuệ giác. Và, nếu một người chuyên gia bố thí, mà tâm họ thiếu chất liệu của Từ, Bi, Hỷ, Xả thì chỉ làm chồng chất thêm những bất công cho xã hội và khổ đau của con người.

Từ - Bi - Hỷ- Xả  là chất liệu cần phải có trong mọi hành động của ta, trong mọi lời nói của ta và trong mọi ý nghĩ của ta, khiến cho hạnh phúc của ta từ đó mà sinh khởi và lớn lên.

Hạnh phúc của ta sinh khởi và lớn lên từ nơi tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả của ta mới là hạnh phúc chân thực. Hạnh phúc và an lạc chân thật của ta phải sinh khởi từ nơi đó, mà không phải sinh khởi từ bất cứ nơi nào. Sáu quan năng của ta là những điều kiện biểu hiện của một tâm hồn có hạnh phúc hay của một tâm hồn đau khổ mà không phải là nguyên nhân của hạnh phúc hay khổ đau. Nguyên nhân của hạnh phúc và an lạc là chất liệu Từ, Bi, Hỷ và Xả ở nơi tâm của mỗi chúng ta và nguyên nhân của khổ đau thì ngược lại!


PHÁT NGUYỆN XUỐNG TÓC



HỎI :
Cách nay 15 năm, lúc tôi sinh em bé, đã gặp phải căn bịnh hiểm nghèo. Lúc đó tôi đã khấn nguyện xin chư Phật, nếu con tai qua nạn khỏi, được mẹ tròn con vuông, thì sẽ xuống tóc đền ơn. Sau khi sanh xong, vì nhiều lý do nên tôi chưa thực hiện lời nguyện. Và dù công việc bận rộn, nhưng tôi vẫn siêng năng tu tập và nay muốn thực hiện lời nguyện xưa. Tuy nhiên những người bạn đồng tu góp ý rằng, quan trọng là nơi cái tâm của mình. Chuyện đã qua lâu rồi, nếu bây giờ cạo tóc, rồi đội tóc giả đi làm thì chỉ mang tính hình thức mà thôi. Điều cần làm là biến lời nguyện thành những việc làm thiết thực, như tu tập, làm phước v..v… Như vậy thì bản thân và gia đình đều được lợi ích. Hiện tôi rất phân vân, cạo tóc thì bất tiện cho công việc, mà không làm thì không thực hiện được lời khấn nguyện sợ rằng mang tội. Mong chư Tôn Đức cho tôi một lời khuyên.


 PHẦN GIẢI ĐÁP :
Con người khi gặp hoàn cảnh bất trắc, bất như ý hay hiểm nguy, thường van vái, khấn nguyện, cầu xin được tai qua nạn khỏi, mọi việc hanh thông, sau này sẽ ăn chay một tháng, hay sẽ in kinh sách ấn tống, hay sẽ ra tiền làm phước thiện, hoặc can đảm hơn, sẽ xuống tóc đền ơn, nhất là đối với phụ nữ vốn trọng ngoại hình. Để được an tâm, con người thường khấn nguyện, van vái, cầu xin. Nhưng khi gặp hoàn cảnh tương tự, người không theo đạo Phật, hay có tín ngưỡng khác, họ đâu có khấn nguyện như trên. Tâm trạng bất an của người đời thường như thế, bởi chưa hiểu sâu giáo lý của đạo Phật.


Thực ra, con người không cần khấn nguyện gì cả, nếu có nhiều phước báo thì sẽ tai qua nạn khỏi, bình yên vô sự. Phước báo ít thì qua khỏi với  một ít xây xát, thiệt hại. Không phước báo thì lãnh đủ, cầu nguyện có được gì đâu?
Phước báo của ai là do chính người đó tạo tác, trong đời này hoặc nhiều đời trước, do thân làm việc thiện, khẩu nói lời lành, ý nghĩ điều tốt. Có 6 cách tạo phước báu: bố thí, trì giới, nhẫn nhịn, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. (LỤC ĐỘ BA LA MẬT)



Tóm lại, trường hợp tai qua nạn khỏi, mẹ tròn con vuông, không do lời khấn nguyện xuống tóc, không do đức Phật ban ơn, nên không cần thắc mắc phải đền ơn. Đó chính là do phước báo của bản thân. Cho nên quí Đạo hữu cần nên phát tâm trưởng dưỡng TỪ BI và phát nguyện khai mở TRÍ TUỆ, tu tâm dưỡng tánh, cứu người giúp đời, cho đến ngày đạt được giác ngộ và giải thoát.


Cách Trả Lời Khác:

Đúng như lời những bằng hữu của bạn đã góp ý, sự phát nguyện tu hành hướng thiện của con người chung qui là ở nơi tâm của mình, tâm thành thì Phật chứng! Trước đây khi đối diện với hoàn cảnh ngặt nghèo, bạn đã hướng về Tam Bảo phát nguyện xuống tóc. Đây là một “đại nguyện”, vì đối với người nữ quí nhất là mái tóc. Cạo tóc đối với một số người có khuynh hướng lập dị hiện nay không có gì là lạ, nhưng đối với người bình thường, đặc biệt là phụ nữ thì đó quả là một sự hy sinh, xả ly vô cùng to lớn. Sự khấn nguyện xuống tóc của bạn lúc ấy biểu trưng tâm nguyện bố thí nội tài (xả bỏ phần dung nhan thân thể), cúng dường Phật, phục thiện, làm phước để mong được an ổn, mẹ tròn con vuông.
Theo lệ thường, đã không nguyện thì thôi, khấn nguyện rồi thì phải thực hiện và bạn phải xuống tóc. Nhưng trong trường hợp của bạn, nếu chỉ xuống tóc thôi mà không có sự chuyển hóa nào cả trong tự tâm, thì sự việc này thực chất chỉ đạt được phần hình tướng ở bên ngoài. Cạo tóc xong vài tháng sau tóc lại mọc dài ra bình thường như trước. Xuống tóc như vậy không đạt được giá trị và lợi ích gì như theo tâm nguyện..

Ý nghĩa xuống tóc tức là tu, là tâm hướng thiện, làm phước, bố thí…, bạn phải thấy rõ điều nầy. Xuống tóc cũng tức là tu, phải thực sự tu tập thì mới đúng nghĩa xuống tóc. Sau lời nguyện, là bạn phải ngộ và thông suốt được điều ấy, tâm không còn vướng bận thì giải pháp rất đơn giản.


Trước hết, bạn cần sắm sửa lễ vật, hương hoa nhang đèn để dâng lên Tam Bảo. Sau đó, quì trước Phật đài thành tâm nhắc lại lời khấn nguyện năm xưa, trình bày hoàn cảnh hiện tại của bản thân, xin Phật từ bi lượng thứ, cho phép bạn vận dụng phương tiện, không cạo hết tóc, chỉ cắt một tí ti thôi (để giữ đúng lời nguyện xuống tóc) và thực thi tâm nguyện đó bằng việc tu hành thiết thực trong đời sống hằng ngày.

Tiếp đến, có thể tự tay bạn hay nhờ người khác cắt một ít tóc tượng trưng rồi nguyện tiếp, từ nay về sau nguyện làm người Phật tử chân chánh, giữ gìn 5 giới người tại gia, sống lương thiện theo Bát chánh đạo, thực hành bố thí cúng dường…đến suốt đời. Nếu có thể sau khi hoàn nguyện xong có thể phát tâm ăn chay, lễ sám một thời gian, một tháng hoặc nhiều hơn, tùy hoàn cảnh.

Nếu được thì bạn nên thỉnh chư Tăng về đến gia đình chứng minh tác lễ cầu an, hoàn nguyện và giáo huấn, hướng dẫn thêm để bạn an tâm tu tập, phụng sự gia đình và Tam bảo. Đạo Phật chú trọng đến nội dung, tức là ở tâm, còn hình thức cũng quan trọng nhưng có thể phương tiện được. Tinh thần tùy duyên nhưng bất biến, áp dụng trong trường hợp nầy hoàn toàn hợp lý, đúng pháp và không có gì phải suy nghĩ và vướng bận thêm cả.


Hiện nay, có khá nhiều người vẫn duy trì quan niệm này, trước những vấn đề trọng đại thường phát nguyện xuống tóc, ăn chay. Thực hiện điều ấy vốn không dễ, nhưng phải lưu ý rằng, ngoài hình thức còn phải chuyển hóa thân tâm hướng thiện. Làm được như thế trong ngoài, lý sự mới viên dung và gặt hái được kết quả như ý.
Chúc bạn như nguyện!





CHUYỆN TRONG CHÙA

- Thưa Thầy, tôi nghe nói hùn phước in kinh sách ấn tống, phát hành băng giảng, được rất nhiều công đức thù thắng, cho nên có nhiều cá nhân cũng như tổ chức, chùa viện quyên góp thực hiện. Tuy nhiên, tôi thấy trong nhiều chùa, số lượng kinh sách, băng dĩa phát không, tràn ngập, bỏ bừa bãi, không trang nghiêm. Trong đó có quá nhiều kinh sách, băng giảng không có nội dung tốt, thậm chí mê tín dị đoan, sai lạc giáo lý, chẳng những không lợi ích gì, còn góp sức truyền bá tà pháp. Kính mong quí Thầy cho biết tôn ý về vấn đề này.

Đáp:
- Các dạng bố thí gồm có: tài thí, pháp thí và vô úy thí. Tài thí có: ngoại tài (tiền bạc, của cải), và nội tài (các bộ phận của cơ thể). Pháp thí là bố thí chánh pháp, giúp người hiểu rõ chánh đạo, chánh kiến, chánh tín, sự thật của cuộc đời, để sống đời được an lạc và hạnh phúc, hơn nữa, đạt được giác ngộ và giải thoát. Và vô úy thí là giúp người vượt qua cơn sợ hãi, sợ chết, sợ đủ mọi thứ, ổn định được tâm bất an.
 
Trong các dạng bố thí vừa kể, bố thí pháp thù thắng nhất. Bởi lẽ, chánh pháp giúp đỡ con người trong kiếp này được khai mở trí tuệ, tránh tà pháp và mê tín dị đoan, biết tu tâm dưỡng tánh theo đúng chánh đạo, tránh tà đạo, nhận rõ tà sư và tà pháp. Cao cả nhất là chánh pháp giúp con người thoát ly được phiền não khổ đau trong sanh tử luân hồi.

Đúng như quí Đạo Hữu nhận xét, hiện nay tình trạng ấn tống kinh sách, băng dĩa rất được hưởng ứng, bởi nhiều lý do. Lý do trước hết là nhiều người hiểu rằng bố thí pháp (hùn phước ấn tống kinh sách, băng thuyết pháp) có công đức và phước đức trên tất cả các dạng bố thí khác. Hoặc, có nhiều người cầu khẩn, van xin, khấn vái điều gì đó cho gia đình hay cho công việc làm ăn, buôn bán, bèn bỏ ra chút tiền để in các loại gọi là “kinh sách” để hối lộ thần linh trước, cho được việc mình mong cầu.
 
Họ đâu biết rằng các loại sách rẻ tiền, các loại băng giảng tạp nhạp, hình thức bề ngoài có vẻ như đạo Phật, do chính các chùa in, các nhà sư giảng, nhưng nội dung rất phi chánh pháp, cho nên vô tình góp phần truyền bá tà pháp, mê tín dị đoan, làm cho nhiều người ngộ độc, tin theo, rất tai hại.
 
Chẳng hạn trước đây vài năm, có người góp tiền in sách Niệm Phật vãng sanh lưu xá lợi. Nghe qua có vẻ Phật pháp, nhưng nội dung chứa đựng, xen lẫn nhiều tà pháp. Người không học hiểu giáo lý, không nghiên tầm kinh điển, kể cả một số nhà sư già cũng như trẻ, rất dễ nhầm lẫn, ngộ nhận rồi ngộ độc, và đem truyền bá nọc độc cho nhiều người khác.
 
Thêm nữa, có vô số sách thuộc loại tà pháp, mê tín dị đoan, được in và bỏ bừa bải trong các chùa như: Bạch Y Thần Chú, Linh Cảm Thần Chú, Pháp Sám Đại Bi, Kinh Di Lặc cứu đời, Kinh Cứu khổ, Địa Mẫu chơn kinh, Kinh Hoàng Mẫu, Những điều linh ứng, Lời Nguyện,…
 
Các vị trụ trì chân tu thực học không phổ biến các loại sách nhảm này trong phạm vi hoằng pháp và các vị Phật tử chân chánh không góp phần tội nghiệp in phát hành hay phổ biến các loại sách này.
 
Chúng ta nên nhớ: nếu cầu nguyện mà được linh ứng (hữu cầu tắc ứng) thì trái với lý nhân quả nghiệp báo.


Mình làm mình hưởng.
Mình làm mình chịu.


Ban Biên-Tập PHTQ.CANADA


Kính mời xem bài viết theo link:

NGUỒN GỐC CỦA KHỔ ĐAU

GIÁC NGỘ VÀ GIẢI THOÁT

GIÚP VỢ THOÁT KHỎI MÊ TÍN DỊ ĐOAN

PHƯỚC TUỆ SONG TU